Thách thức nền kinh tế đối diện năm 2017

18/01/2017

Chuyên mục:

Theo các chuyên gia, lãnh đạo Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm cải cách với những hành động quyết liệt, một số ít bộ, ngành, địa phương đã chuyển động mạnh, song số chuyển biến chậm chạp vẫn nhiều, trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều nhiều thách thức.

Đây là phân tích của các chuyên gia tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV/2016 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức chiều 16/1.

Những cơ hội và đặc biệt là những khó khăn, thách thức lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 đã được Chính phủ chỉ ra rất rõ khi báo cáo trước Quốc hội và tại Nghị quyết 01 được ban hành ngay từ đầu năm.

Theo các chuyên gia, năm 2017 và các năm tiếp theo được dự báo có những biến động mạnh mẽ về chính sách thương mại toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần có những cải cách mang tính căn cơ, đồng bộ hơn, đồng thời gia tăng nội lực để sẵn sàng vượt qua.

Chính sách điều hành hợp lý trong bối cảnh bất lợi

Khái quát tình hình kinh tế 2016, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, năm qua là khoảng thời gian Việt Nam có khá nhiều bất lợi với những sự cố môi trường và biến đổi khí hậu, thiên tai làm nông nghiệp suy giảm mạnh những tháng đầu năm. Trong khi đó, hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là trong khu vực chế biến chế tạo, lại là một điểm sáng.

Ông Nguyễn Đức Thành đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thể hiện sự chắc chắn và kiên định mục tiêu trong những năm qua. Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào chỉ số lạm phát lõi (cơ bản) vẫn duy trì trong khoảng 1,7%-1,9% trong suốt quý IV và cả năm 2016.

Viện trưởng VEPR cho rằng NHNN chính thức áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt từ đầu năm 2016 là hợp lý. Điều này giúp tỷ giá có một năm tương đối ổn định, hạn chế ảnh hưởng của các cú sốc lớn bên ngoài. Theo đó, tỷ giá tham chiếu cuối năm chỉ tăng 1,18% so với đầu năm.

Hơn nữa, do lượng dự trữ ngoại hối tương đối dồi dào, thậm chí có thêm hơn 11 tỷ USD, nâng tổng mức dự trữ ước tính lên tới 41 tỷ USD. Việc NHNN duy trì mức dự trữ ngoại hối đạt trên 2,5 tháng nhập khẩu, làm gia tăng khả năng tạo ổn định thị trường.

“Cơ bản NHNN có thể ổn định được thị trường về mặt kỹ thuật, quan trọng cần phối hợp chặt chẽ trên khía cạnh tuyên truyền, nhằm giúp dư luận hiểu rõ thực chất tình hình và không gây ra những xáo trộn tâm lý trên diện rộng”, ông Thành nói.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, việc điều hoà linh hoạt, hợp lý cung tiền giúp để không gây dư tiền mặt trong nền kinh tế dẫn tới lạm phát, nhưng cũng không quá chặt để gây căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng, từ đó góp phần hạ hoặc ít nhất kìm giữ không tăng lãi suất, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác, Việt Nam có được mức lạm phát hợp lý vừa qua một phần do lý do khách quan. Đó là việc giá cả thế giới giảm, hoặc duy trì khá thấp ở một số mặt hàng như năng lượng. Do đó, thời gian tới không thể chủ quan về điều hành giá.

Mục tiêu lạm phát 4% là không dễ dàng

Nhận định về kinh tế 2017, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, dù kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả nhất định, nhưng cần hết sức lưu ý những dự báo của các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Ông Tuyển khẳng định quan điểm không nên nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Chính phủ.

Theo ông Tuyển, nhiều dấu hiệu cho thấy giữ được lạm phát trong năm 2017 như mục tiêu 4% đặt ra là không dễ dàng. Hơn nữa, sang năm 2017, việc nhiều loại phí, lệ phí được chuyển sang tính theo giá dịch vụ sẽ là một sức ép mới lên lạm phát. Hơn nữa, việc nợ xấu chưa được giải quyết nhiều làm không gian chính sách hẹp lại.

Có cùng quan điểm, Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành phân tích, lạm phát 2017 phụ thuộc nhiều vào mức độ điều chỉnh giá y tế, giáo dục... Do đó, nhà điều hành nên tính toán mức độ và thời gian điều chỉnh hết sức cẩn trọng, tránh gây tác động mạnh lên lạm phát. Không thể quên những thời điểm lạm phát tăng cao và cơ quan điều hành đã phải rất vất vả để kiểm soát được tình hình lạm phát trở lại ổn định như hiện nay.

Dưới góc nhìn khác, chuyên gia Vũ Đình Ánh lại cho rằng, qua các nghiên cứu về biến động giá cả quốc tế, thì giá cả năm 2017 cũng chưa thể tăng cao. Ông Ánh phân tích, ưu tiên điều hành chính sách của NHNN trong thời gian tới vẫn đặt việc kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, vĩ mô lên hàng đầu nhằm xây dựng niềm tin trong dài hạn, cộng với giá cả thế giới phục hồi chậm thì lạm phát nếu có sẽ chỉ tăng nhẹ.

Băn khoăn về vấn đề ngân sách, TS. Lê Đăng Doanh vẫn bày tỏ lo ngại về việc chi thường xuyên, chi các khoản không hợp lý ở các địa phương hiện nay đang ở mức cao.

Có cùng quan điểm, TS. Phạm Chi Lan cho rằng vẫn còn nhiều khoản chi lãng phí không cần thiết. Về phía thu ngân sách, TS. Phạm Chi Lan cho rằng, các phương án tìm cách tăng thuế suất đối với các mặt hàng để bù đắp ngân sách cũng cần phải tính toán kỹ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ doanh nghiệp trong dài hạn.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, thời gian qua, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng. Lãnh đạo Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm cải cách với những hành động quyết liệt, một số ít bộ, ngành, địa phương đã chuyển động mạnh, song số chuyển biến chậm chạp vẫn nhiều hơn.

“Năm 2017 có thể có nhiều thử thách mới, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa từ Trung ương đến địa phương. Ngoài Chính phủ, cần có sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

 

Theo baochinhphu.vn

Vietnam Report