Tại Hội nghị Trung ương 5 mới đây, vai trò, vị trí của khối kinh tế tư nhân (KTTN) đã được Đảng thừa nhận và khẳng định rõ nét hơn bao giờ hết, theo đó KTTN là động lực của nền kinh tế.
Điều này đã tác động tới cả triệu doanh nhân trên khắp cả nước, nhiều người ví nó như một "khoán 10" với KTTN.
Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ, thậm chí có người nói KTTN dường như đang "cô độc" trong môi trường nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta thì nay KTTN đã được thừa nhận là “một trong những động lực”, thậm chí “là một động lực quan trọng” để phát triển nền kinh tế. Các chuyên gia, các nhà phân tích đều nhận định, đây là bước nhảy vọt về tư duy...
KTTN đang được Đảng và Chính phủ ưu tiên phát triển
Xóa “ốc đảo” kinh tế
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, viện dẫn một ví dụ để thấy rằng việc thay đổi về tư duy điều hành kinh tế, thay đổi thể chế và khuyến khích KTTN có tác động thế nào đến nền kinh tế.
“Thời kỳ Đại suy thoái những cuối của thập kỷ 50 của thế kỷ trước, Hà Nội và Sài Gòn là điểm tị nạn kinh tế yêu thích của những người Pháp, vì xứ Đông Dương không hề bị ảnh hưởng bởi những biến động tài chính ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Hay như năm 1997, cả châu Á lao đao, nhưng kinh tế Việt Nam không hề mảy may bị sứt mẻ. Nhưng những thời điểm đó, kinh tế Việt Nam luôn trì trệ, không có những đột biến và không có sự giao thương với nước ngoài. Điều đó nói lên rằng, ốc đảo kinh tế luôn song hành với bảo thủ, trì trệ”, ông Thiên nhận xét.
“Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thảo luận về hàng loạt vấn đề rất lớn, rất quan trọng, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); và phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây chính là bước nhảy vọt, là điểm nhấn cho thấy Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Ốc đảo kinh tế đã chính thức bị xóa bỏ”, ông Thiên nói.
Theo vị chuyên gia dành nhiều tâm huyết cho KTTN này, nhận thức của lãnh đạo về vị trí, vai trò của KTTN thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế. Đó là bước nhảy xa về mặt tư duy đáng được ghi điểm.
Trong số nhiều chủ trương, giải pháp đột phá mà Hội nghị TƯ 5 đã thông qua, ông Thiên đặc biệt ấn tượng với sự khẳng định: Cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển KTTN. KTTN cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
Có thể nói, “xóa bỏ mọi rào cản, định kiến với khu vực KTTN” là thông điệp, yêu cầu dứt khoát và mạnh mẽ từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước. Thông điệp này có tầm quan trọng đặc biệt. Đối với Chính phủ, những quyết sách của Hội nghị TƯ 5 sẽ là căn cứ để triển khai mạnh mẽ hơn những giải pháp hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách khu vực DNNN, thúc đẩy khu vực KTTN phát triển.
Một lần nữa, thượng tầng đã mạnh dạn cải cách đất nước theo hướng ưu tiên phát triển kinh tế lên trên hết. Tuy bối cảnh không còn giống thời kỳ bắt đầu Đổi Mới, vì nền kinh tế Việt Nam hiện giờ liên quan mật thiết tới kinh tế thế giới nói chung chứ không phải là một ốc đảo. Vì thế, ông Thiên cho rằng, phát triển KTTN sẽ là công cuộc cải cách xã hội khổng lồ, nó xác lập địa vị hoạt động kinh tế cho mỗi người dân và đổi mới cách nhìn nhận giá trị của các khu vực khác nhau.
Mỗi lần đổi mới là thêm khó khăn cho các nhà quản lý, vì họ phải đối mặt với một xã hội khó quản lý hơn, đòi hỏi nhiều hơn về quyền. Nhưng, chúng ta không có con đường nào khác.
Cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ
Thông điệp mạnh mẽ, dứt khoát của Hội nghị TƯ 5 là phải xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với KTTN và điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan thực thi, mà trước hết là từ Chính phủ và các bộ, ngành.
Hội nghị vừa kết thúc, cộng đồng DN, mà đặc biệt là DN tư nhân, trông đợi một sự kiện lớn khác: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN lần thứ hai sau lần thứ nhất năm 2016.
Bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc lúc 13h30 chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nội các gồm đầy đủ các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và 63 điểm cầu trực tuyến trong cuộc gặp mặt trực tiếp với 2.000 DN hôm 17/5 vừa qua, đã chứng minh sự quan tâm của Chính phủ đối với vai trò của các DN trong nền kinh tế.
Sự quan tâm thực tế không chỉ diễn ra trong khán phòng hôm 17/5, nó đã được cụ thể hoá bằng sự quyết liệt trong hành động cải cách chính sách của các bộ, ngành. Thậm chí theo thống kê, có bộ, ngành trong nhiệm kì mới hơn một năm đã thực hiện khối lượng công việc bằng nhiều năm trước đó cộng lại.
Đầu năm ngoái, thông tin Bộ Công thương bãi bỏ thông tư 20 đã tạo được sự phấn khởi chưa từng có cho các DN kinh doanh ô tô, như phát súng mở màn tuyên chiến với sự quan liêu, trì trệ, bảo hộ cho các lợi ích nhóm.
Liên tiếp từ đó đến nay với chỉ hơn 1 năm, khối lượng công việc mà bộ máy hiện đang chiếm 60% nền kinh tế này đã thực hiện bằng nhiều năm trước cộng lại, bãi bỏ 39 thủ tục hành chính trong số 453 thủ tục, ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính, khẳng định sẽ tiếp tục xóa bỏ 15 thủ tục và đơn giản hóa hơn 108 thủ tục khác.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, nguồn lực trong dân và khối DN đặc biệt là DN tư nhân còn rất lớn, bất chấp khủng hoảng kinh tế kéo dài gần 1 thập kỷ, thực tế số lượng DN phá sản hay chết lâm sàng chưa bao giờ chiếm mức đa số.
“Những DN chủ yếu là vừa và nhỏ, vốn nhạy bén và linh hoạt hơn, chuyển sang co cụm để bảo tồn vốn liếng, đang cần những cơ chế và cam kết mạnh mẽ, chân thành để tiếp tục tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Khi vai trò và tiếng nói của giới doanh nhân ngày càng được cải thiện, thì yêu cầu một Chính phủ minh bạch, có trách nhiệm hơn là cấp thiết và chính đáng”, ông Cung khẳng định.
Văn Nguyễn
Theo báo Nông Nghiệp
Vietnam Report