Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam chính là điểm đến hấp dẫn nhất cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) với những thương vụ “khủng”. Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Những thương vụ đầu tư đình đám như Tập đoàn ThaiBev mua thành công 53,59% vốn điều lệ của Sabeco, Tập đoàn SCG đã mua lại 100% vốn cổ phần, tương đương 156 triệu USD) từ các cổ đông hiện tại của Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam hay Tập đoàn CJ đã thâu tóm 71,6% Cầu Tre... đã góp phần đưa Việt Nam lên hạng và nằm trong TOP 15 thị trường M&A trên bảng tổng sắp thế giới.
Tính đến tháng 4/2018, hoạt động góp vốn, mua cổ phần đã đạt 2,263 tỷ USD, tăng 167% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1,36 tỷ USD.
Lý giải một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường M&A Việt Nam là điểm “dừng chân” hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại, các chuyên gia có kinh nghiệm trong hoạt động này cho biết đó chính là quy mô dân số trẻ, tăng trưởng kinh tế ổn định và hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chính là điểm hấp dẫn nhất. Những lợi thế này chính là những nền tảng cơ sở khiến thị trường M&A Việt Nam trở nên khác biệt so với thị trường M&A tại Singapore hay Malaysia.
Phân tích chi tiết các yếu tố này, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 quốc gia ASEAN, Nam Á cho biết: “Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước và việc nới room cho nhà đầu tư ngoại chính là điểm hấp dẫn nhà đầu tư trong hoạt động M&A. Vì vậy, mỗi đồng USD bỏ ra đầu tư vào Việt Nam, ví dụ như hoạt động M&A trong ngành tiêu dùng đều có thể tạo ra lợi nhuận tốt”.
Theo đó, nhận định về xu hướng các ngành sẽ “hút” nhà đầu tư ngoại trong thời gian tới, vị đại diện ngân hàng này cũng chỉ ra, các ngành tiêu dùng và bán lẻ vẫn sẽ là những ngành dẫn đầu về số lượng và giá trị các thương vụ. Ngoài ra, bên cạnh đó còn là các ngành như hàng không, viễn thông, năng lượng. Ngược lại ngành tài chính vẫn chưa thể tạo được sự đột phá vì thiếu vắng các thương vụ lớn.
Một điểm đáng chú ý trong nhận định của ông Ralf Pilarczyk - Trưởng bộ phận M&A khu vực ASEAN, Ngân hàng Standard Chartered đưa ra rằng: “Các hoạt động M&A này sẽ giúp doanh nghiệp nội phát triển ở một tầm cao mới cũng như thay đổi cách tương tác với thị trường quốc tế”.
Trước đó, một đại diện đến từ Công ty KPMG Việt Nam từng cho rằng, hoạt động M&A trong thời gian gần đây của Việt Nam đã có sự thay đổi nhiều về quy mô và cấu trúc.
Điều này được thể hiện ở chỗ, thị trường M&A đang được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,....đây đều là những quốc gia có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, các thương vụ M&A lớn, và do nhà đầu tư nước ngoài làm chủ đang chiếm tới 77% số thương vụ toàn thị trường.
Dự báo của các chuyên gia am hiểu ngành M&A đưa ra rằng sẽ có tổng số 331 thương vụ M&A trong nước và xuyên biên giới sẽ được thực hiện trong các ngành như tiêu dùng – bán lẻ và bất động sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng vừa nêu, vẫn còn những tồn tại khiến cho bức tranh thị trường M&A Việt Nam chưa “tròn trịa” đó là sự thiếu minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước và quá trình định giá và công bố thông tin. Một số nhà đầu tư thâu tóm nhằm triệt tiêu thương hiệu trong nước.
Lý giải một trong những nguyên nhân đó là do hoạt động M&A đang bị “phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài. TS. Christopher Kummer, Chủ tịch Viện M&A và liên kết (IMAA) của Thụy Sỹ cho rằng, mặc dù được đánh giá là phát triển mạnh tuy nhiên hoạt động M&A tại Việt Nam vẫn phụ thuộc vào công ty nước ngoài, trong khi doanh nghiệp nội “chủ động” thực hiện M&A vẫn còn ít, chưa kể hoạt động doanh nghiệp Việt Nam thực hiện M&A tại nước ngoài thì lại càng hiếm.
Ngọc Hà
Theo Enternews
Vietnam Report