Thị trường phục hồi: Dư địa tốt cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu

08/07/2021

Chuyên mục:

Theo các chuyên gia, nhiều thị trường lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Đó là những yếu tố từ bên ngoài - dư địa cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Thi truong phuc hoi: Du dia tot cho Viet Nam thuc day xuat khau hinh anh 1

Xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và địa phương trong cả nước, song nửa đầu năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhiều chuyên gia, với những tiền đề hiện nay về thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 của Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Công nghiệp chế biến dẫn dắt tăng trưởng

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến đem về 135,5 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 85,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Có thể thấy, hầu hết các mặt hàng chủ chốt của nhóm như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và là tín hiệu tích cực góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tiếp theo.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới và khu vực đang diễn ra, trong đó Mỹ và EU là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã bước đầu khống chế được dịch, là điều kiện để nền kinh tế phục hồi trở lại.

Một thị trường lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang phục hồi tích cực. Đó là những yếu tố từ bên ngoài - dư địa cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

“Gần đây những tập đoàn lớn về sản xuất điện thoại thông minh như Apple, Samsung cũng đều dự báo triển vọng tiêu thụ điện thoại thông minh trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức rất tích cực. Nói như vậy để thấy nhu cầu, sự phục hồi của nền kinh tế ở các nước là đã có và thứ 2 là những mặt hàng xuất khẩu liên quan đến điện, điện tử của Việt Nam có thể cũng là những điều kiện để phục hồi tích cực, đây cũng là dư địa mà chúng ta cần nói tới,” ông Nguyễn Anh Dương phân tích.

Thực tế cho thấy, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trên đều đạt mức tăng trưởng cao. Đơn cử, tại thị trường Hoa Kỳ tăng 43,3% còn tại thị trường Trung Quốc mức tăng là 25,1%...

Nhập siêu không đáng lo ngại

Cùng với đà tăng của xuất khẩu thì kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm cũng có dấu hiệu tăng tốc.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD; trong khi cùng kỳ năm trước Việt Nam xuất siêu tới 5,86 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc thâm hụt thương mại cũng không phải là dấu hiệu bất thường.

Ông Nguyễn Anh Dương phân tích nhìn vào cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng qua cho thấy, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là hàng tư liệu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, một số ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ cũng đang tích cực nhập nguyên liệu về để phục vụ cho những kế hoạch sản xuất từ nay đến cuối năm, dẫn đến khối lượng nguyên liệu nhập khẩu có sự gia tăng.

Bên cạnh đó, giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới trong thời gian vừa qua đã có những biến động rất mạnh như mặt hàng thép, xơ sợi, phân bón… đẩy giá trị nhập khẩu tăng lên, mặc dù khối lượng nhập khẩu có thể giữ nguyên.

“Theo tôi, bản chất của vấn đề cũng không thay đổi vì chúng ta vẫn duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu rất tốt. Những yếu tố như giá hoặc là những yếu tố về tăng nhập khẩu nguyên liệu chỉ là yếu tố tạm thời. Qua giai đoạn này thì Việt Nam có thể duy trì được cân bằng cán cân thương mại và có thể trở lại xuất siêu,” ông Trần Thanh Hải nói.

- Cán cân thương mại của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021:


Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu nửa cuối năm, ông Trần Thanh Hải cũng đưa ra nhiều dự báo khả quan, đặc biệt qua đợt dịch vừa rồi là mặc dù có bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng hiện nay, các nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang đã khôi phục trở lại sản xuất bình thường và cố gắng để có thể đẩy mạnh sản xuất nhằm bù đắp lại phần thiếu hụt của hai tháng vừa qua.

Một tín hiệu tích cực nữa đó là nhóm hàng nông sản, dù xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ doanh nghiệp tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP để đưa nông sản, thực phẩm ra thế giới. Đơn cử là việc xuất khẩu thành công quả vải thiều qua nền tảng thương mại điện tử đã mở ra cơ hội cho nhiều loại nông sản khác.

“Những bài học như của Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La về thúc đẩy xúc tiến thương mại đối với một số sản phẩm nông sản, trong đó có quả vải là một bài học hết sức quý đối với các địa phương. Do đó, các bộ ngành, địa phương, các vùng trồng khác cần có nghiên cứu, phân tích để tìm ra các ưu điểm từ cách làm như vậy để xây dựng một phương án dài hạn giúp cho các sản phẩm nông sản tiến ra thị trường thế giới một cách bền vững,” đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

Cùng ý kiến trên, chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được khẳng định cũng giúp hàng hóa của Việt Nam vào được những thị trường lớn và là dư địa rất tốt để nâng cao kim ngạch xuất khẩu thời gian tới.

"Việc khai thác các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA và RCEP trong thời gian tới cũng là điều rất quan trọng và việc công bố công khai các lộ trình giảm thuế cũng như các ưu đãi đối với các hoạt động kinh tế xung quanh các FTA thế hệ mới này là rất cần thiết, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại của Việt Nam," chuyên gia Nguyễn Minh Phong chia sẻ thêm.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đức Duy

Theo Vietnam+