Thông tin kinh tế quý I-2019

16/04/2019

Chuyên mục:

Những tháng đầu năm 2019, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Trong nước, từ những thuận lợi của năm 2018, nền kinh tế quý I-2019 cũng có nhiều điểm tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức với tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

GDP
Năm 2018, GDP Việt Nam tăng 7,08%, mức cao nhất từ năm 2008 trong khi chỉ số tăng CPI được kiềm ở dưới 4%. Tuy nhiên, quý I-2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm, GDP của Việt Nam cũng giảm tốc so với năm ngoái. Cụ thể, GDP quý I-2019 chỉ tăng 6,79%, thấp hơn kịch bản 6,93% của Chính phủ tại Nghị quyết 01 ngày 1-1-2019 và mức 7,45% của cùng kỳ năm ngoái.

Về tăng trưởng GDP theo ngành, trong quý I, ngoại trừ ngành xây dựng, GDP của các nhóm ngành cấp 1 như nông – lâm – thủy sản, công nghiệp, dịch vụ đều thấp hơn kịch bản của Chính phủ. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát

CPI quý I-2019 đạt 2,63%, đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm gần đây. Lạm phát quý I tăng 1,83% so với quý I-2018. Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng gồm nhu cầu về lương thực, thực phẩm, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,75%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,85%, giá nhóm du lịch trọn gói tăng 5,2% và một số mặt hàng thiết yếu tăng giá trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt, thép.
Các yếu tố giảm gồm giá xăng dầu được điều chỉnh làm chỉ số giá xăng dầu giảm 8,22%. Giá gas điều chỉnh theo giá thế giới làm giá gas trong nước giảm 2,15%. Giá nhóm giáo dục điều chỉnh giảm mức thu học phí tại TPHCM theo Nghị quyết 25 ngày 7-12-2018 của HĐND TPHCM. 
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Mặc dù tốc độ tăng IIP toàn ngành vẫn đạt mức cao hơn mức tăng của quý I-2016 (7,4%) và quý I-2017 (4,8%) nhưng giảm mạnh so với mức 12,7% của quý I-2018 và có dấu hiệu giảm tốc dần.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với mức 15,7% của quý I-2018. Ngành khai khoáng giảm 2,1% chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,2%.
 
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Từ đầu năm đến 20-3 có 785 dự án FDI được cấp phép mới (tăng 27%). Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 3,82 tỷ USD tăng 80,1%. Riêng vốn điều chỉnh giảm 27,5% bởi trong số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng mạnh (40,2%) nhưng quy mô vốn điều chỉnh nhỏ, bình quân 4,65 triệu USD/lượt điều chỉnh. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 5,1 tỷ USD (tăng 30,9%). Giải ngân ước đạt 4,12 tỷ USD (6,2%).
 
Tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt 1.185.000 tỷ đồng (tăng 12%), cao hơn mức tăng của năm 2018, đặc biệt doanh thu bán lẻ tăng 13,4%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9% (quý I-2018 tăng 8,9%).
 
Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII)
Đối với hình thức góp vốn/mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị góp vốn đạt 5,69 tỷ USD, gấp 3 lần so với quý I-2018, chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký. Trong đó có 588 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 4,79 tỷ USD và 1.065 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,9 tỷ USD.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Quý I năm nay, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375.500 tỷ đồng, tăng 6,2% về số lượng và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, còn có 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm trước.
Phương Linh
Theo Sài Gòn đầu tư tài chính
 

Vietnam Report