Thủ tướng: "TPP 11 là tâm huyết của Nhật Bản và Việt Nam"

17/11/2017

Chuyên mục:

Các thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên để ngỏ cơ hội cho Mỹ quay lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong bài phỏng vấn với tờ Nikkei Asian Review.

Mười một quốc gia, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản, đã đạt được tiếng nói chung về một hiệp định thương mại sau khi Mỹ đã rút lui.

"TPP 11 đàm phán thành công là nhờ quyết tâm của Nhật Bản và Việt Nam", Thủ tướng khẳng định. Tokyo và Hà Nội cần tiếp tục phấn đấu, để đạt được một thỏa thuận TPP 11 toàn diện và chi tiết hơn.

Thủ tướng cho biết ông đã nhận được một là thư của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước thoả thuận TPP 11. Dường như mối quan hệ thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo đã “lập công” lớn trong việc thúc đẩy các cuộc hội đàm vốn đầy mâu thuẫn giữa các nước thành viên, diễn ra bên lề APEC Việt Nam 2017.

Thủ tướng cũng cho biết ông đã chủ động gặp Bộ trưởng Toshimitsu Motegi, người phụ trách các cuộc đàm phán thương mại của Nhật Bản. Khi Bộ trưởng Motegi hỏi lý do Thủ tướng dốc sức vì thỏa thuận này đến vậy, ông giải thích việc này xuất phát từ mối quan hệ thân thiết của ông với người đồng cấp Shinzo Abe.

Về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi TPP theo tinh thần "Nước Mỹ là trên hết", Thủ tướng kêu gọi Mỹ trở lại để "bảo đảm lợi ích cho các quốc gia thành viên và cho chính mình".

Thủ tướng kêu gọi Mỹ trở lại để "bảo đảm lợi ích cho các quốc gia thành viên và cho chính mình"

Thủ tướng kêu gọi Mỹ trở lại để "bảo đảm lợi ích cho các quốc gia thành viên và cho chính mình". Ảnh: Shinya Sawai, Nikkei.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Abe về cách thuyết phục ông Trump quay trở lại. Điều này thể hiện mong muốn mạnh mẽ của Việt Nam trong việc mang Washington trở lại TPP. Nếu điều đó xảy ra, các thành viên TPP sẽ đóng góp 37,5% vào GDP thế giới, chiếm 11,3% dân số và 25,7% tổng số giao dịch thương mại toàn cầu - tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với TPP 11.

Tổng thống Trump có lẽ sẽ không đổi ý, nhưng Nhật Bản và Việt Nam đang lên kế hoạch lôi kéo các nước khác cùng nỗ lực thuyết phục Mỹ trở lại.

Tổng thống Trump khẳng định tại APEC Việt Nam 2017 rằng Mỹ mong "tầng lớp trung lưu đang phát triển của Việt Nam” sẽ trở thành “một thị trường chủ chốt cho hàng hoá và dịch vụ của Mỹ", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của "những giao dịch công bằng và có đi có lại". Trong bối cảnh Việt Nam hiện đang có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ ở châu Á, Tổng thống Trump có thể sẽ đòi hỏi các điều khoản đàm phán khắc nghiệt để đề xuất được một hiệp định thương mại song phương.

Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề cải cách các doanh nghiệp nhà nước, hiện đang là một trong những mối quan tâm lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Ông bày tỏ hy vọng các cổ đông nước ngoài sẽ là nhà đầu tư chiến lược cung cấp kinh nghiệm quản trị cho doanh nghiệp Việt, "Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản thúc đẩy cải cách tại các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.”

Vietnam Report