Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng tăng trưởng thấp

03/04/2017

Chuyên mục:

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng ngày 03/04, Thủ tướng đã đưa ra 10 điểm sáng của kinh tế xã hội trong ba tháng đầu năm, đồng thời yêu cầu khắc phục những bất cập, tồn tại.

10 điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2017

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tình hình kinh tế xã hội của quý 1 có sự chuyển biến tích cực, đồng bộ, nhiều gương sáng, nhiều mô hình tốt trong vườn hoa phát triển của đất nước“.

Đi được ¼ chặng đường năm 2017, Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế Việt Nam đã có nhiều điểm sáng.

Thủ tướng đã nêu 10 điểm nổi bật và những điểm tồn tại, bất cập để các thành viên Chính phủ thảo luận, từ đó không chỉ tìm ra nguyên nhân mà còn thảo luận về các giải pháp để khắc phục trong tháng 4 cũng như thời gian tới.

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%).

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81%, trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%).

Thứ ba, xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%.

Thứ tư, các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ.

Thứ năm, khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%.

Thứ sáu, vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4%.

Thứ bảy, thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Thứ tám, số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.

Thứ chín, chỉ số sản xuất Nikkei hay chỉ số quản trị mua hàng của cả nước đạt 54,6, cao hơn so với bình quân của ASEAN là 50,9.

Thứ mười, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Theo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI, có 51 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành từ khá trở lên.

Khắc phục tăng trưởng

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục tình trạng tăng trưởng thấp. Thủ tướng chia sẻ: “Tại phiên họp này, chúng tôi cũng nêu một điều hết sức lo lắng là tăng trưởng GDP quý I chỉ mới đạt 5,1%, là thấp. Trong khi nông nghiệp, dịch vụ tăng khá thì khu vực công nghiệp, xây dựng tăng thấp”.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thảo luận để tìm ra biện pháp cụ thể trong từng ngành hàng, từng lĩnh vực để “chúng ta có đối sách, phản ứng chính sách tốt hơn” nhằm khắc phục tình trạng GDP tăng trưởng chậm trong quý I.

Xuất khẩu, nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 6,7%. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, quý I chỉ đạt 12,4% dự toán (cùng kỳ 2016 là 16%). Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tương đương 32% GDP, “như vậy mục tiêu huy động vốn xã hội của chúng ta đặt ra rất quyết liệt nhưng trong quý I cũng chưa cao, cần tìm ra nguyên nhân này”.

Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, chưa có doanh nghiệp lớn bán vốn, thoái vốn, cổ phần hóa đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tai nạn giao thông, cháy nổ, phá rừng và một số mặt nổi cộm của xã hội cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới tiềm ẩn một số khó khăn ảnh hưởng đến kinh tế trong nước như chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ từ khi ông Donald Trump làm Tổng thống, có thể tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp cũng như gián tiếp có thể bị tác động. Sức ép tăng lạm phát, tỷ giá gia tăng.

“Trong bối cảnh đó, chúng ta đặt vấn đề phải tăng trưởng và kiềm chế lạm phát thì mới bảo đảm các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của người dân”, Thủ tướng nói và cho rằng đây phải là quyết tâm chính trị, cần có giải pháp căn cơ, cụ thể hơn.

Phải theo dõi tình hình để phản ứng chính sách chặt chẽ, linh hoạt, chủ động hơn. “Đặc biệt là làm sao đẩy mạnh đầu tư xã hội”, Thủ tướng đặt vấn đề, “có thể tăng vốn đầu tư xã hội thêm 3% lên 35% GDP có được không".

Làm sao nước ngoài không thôn tính các ngành quan trọng của Việt Nam. Làm sao phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất. Làm sao công nghiệp khai thác được đẩy mạnh, cơ chế nào? Cùng với những việc đó, Thủ tướng nhấn mạnh công tác truyền thông, ổn định tâm lý thị trường, đồng thời lưu ý việc chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học sắp tới.

Huyền Trang

Tổng hợp

Vietnam Report