Thương mại toàn cầu đang phục hồi mạnh

25/05/2021

Chuyên mục:

Bất chấp đại dịch COVID-19 vẫn nghiêm trọng, thương mại toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Báo cáo do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) vừa công bố cho biết: giá trị thương mại hàng hóa đã vượt qua mức trước đại dịch trong quý đầu tiên của năm 2021.

SỰ  PHỤC  HỒI  DỰ  KIẾN  DIỄN  RA VÀO QUÝ  2

Cụ thể, giá trị thương mại hàng hóa của thế giới trong trong quý 1 vừa qua đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu từ các nền kinh tế ở Đông Á, nhất là Trung Quốc, đã thúc đẩy sự phục hồi này. Tuy nhiên, giá trị thương mại tại các khu vực và quốc gia đang phát triển khác, bao gồm cả Nga, lại đang phục hồi chậm hơn. Sự phục hồi trên dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong quý 2/2021 với tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ đạt 6.600 tỷ USD.

Theo UNCTAD, sự phục hồi thương mại thế giới nêu trên cao hơn khoảng 3% so với mức trước đại dịch COVID-19. Cơ quan này đồng thời dự đoán nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu trong những tháng cuối năm nay.  Trong khi đó, Eurostat - Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) – cũng vừa công bố số liệu thống kê cho thấy xu hướng phục hồi mạnh của thương mại châu Âu nói riêng, thế giới nói chung.

Số liệu thống kê của Eurostat ghi nhận: thương mại hàng hóa giữa EU và phần còn lại của thế giới đã tăng trong tháng 3/2021 và cả quý 1 năm nay, đồng thời có khả năng phục hồi về các mức trước đại dịch COVID-19. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ngoài EU trong tháng 3 năm nay đạt 195,1 tỷ Euro (hơn 238 tỷ USD), tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 176,3 tỷ euro (hơn 215 tỷ USD), tăng 19%. 

Thống kê quý 1 năm nay cho thấy, Trung Quốc, Mỹ và Anh lần lượt là những đối tác thương mại hàng đầu của EU. Giới phân tích châu Âu đang kỳ vọng tăng trưởng thương mại của EU sẽ mạnh hơn trong thời gian tới nhờ chiến dịch “phủ sóng” vaccine đã được đẩy mạnh khiến các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.

Một “điểm sáng” lạc quan khác của thương mại thế giới những tháng đầu năm nay là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc tạm lắng xuống, trong khi căng thẳng thương mại Mỹ-EU đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuần trước, EU và Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các biện pháp trả đũa liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu nhôm và thép mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với liên minh này. Trước đó, năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ châu Âu, viện dẫn lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hồi tháng 3 vừa qua, EU và Mỹ đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa lẫn nhau trong vòng 4 tháng.

VẪN CÒN ĐỐI DIỆN NHIỀU RỦI RO

Cuối tuần qua, báo chí châu Âu cho biết, EU và Mỹ đặt mục tiêu giải quyết tranh chấp thương mại trong 2 tháng tới. Phát biểu ngày 20/5 sau cuộc họp của các bộ trưởng thương mại EU, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Valdis Dombrovski tiết lộ rằng, hai bên đã thống nhất về việc nỗ lực kết thúc đàm phán vào tháng 7. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đánh giá các cuộc thảo luận với phía Mỹ "mang tính xây dựng", mở ra "cánh cửa lịch sử cho cơ hội giải quyết bất đồng thương mại giữa Mỹ và EU".

Tuy nhiên, dù triển vọng thương mại toàn cầu đã khả quan hơn, song giới phân tích cho rằng, các lĩnh vực kinh tế, thương mại thế giới chưa phục hồi ổn định và còn đối diện nhiều rủi ro. Báo cáo nói trên của UNCTAD nhận định, triển vọng tích cực của sự phục hồi thương mại toàn cầu trong năm 2021 “phụ thuộc phần lớn” vào việc các quốc gia tiếp tục hỗ trợ các biện pháp ngăn chặn đại dịch. Các gói kích thích tài chính, đặc biệt là ở các nước phát triển, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phục hồi các hoạt động thương mại toàn cầu trong năm 2021.

Nhà kinh tế Alessandro Nicita - người tham gia xây dựng báo cáo nói trên của UNCTAD – nhận định rằng, các hoạt động thương mại toàn cầu đã ghi nhận sự phục hồi nhanh hơn kể từ cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, so với hai cuộc suy thoái thương mại gần đây nhất. Tuy nhiên, phải mất 4 quý sau khi bắt đầu phục hồi từ cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19, giá trị thương mại toàn cầu mới trở lại mức trước suy thoái.

Trong bối cảnh nêu trên, việc khống chế, đẩy lùi đại dịch COVID-19 cùng các biện pháp kích thích tài chính, khôi phục sản xuất nhanh chóng, vẫn là “chìa khóa” để các quốc gia sớm đưa thương mại toàn cầu trở lại trạng tháng “bình thường cũ” trong năm nay.

Trung Việt

Theo VnEconomy