Tìm bước đột phá cho thị trường M&A Việt Nam

11/08/2017

Chuyên mục:

Đến hết quý I/2017, tổng giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập tại Việt Nam (M&A) chỉ mới tương đương 75% năm 2016. Phân tích các thách thức để tìm bước đột phá cho thị trường M&A Việt Nam vì vậy đã trở thành chủ đề chính của diễn đàn M&A năm nay tại TP.HCM.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu hoạt động M&A và Liên kết từ Thụy Sĩ (IMAA), tổng giá trị các thương vụ M&A của Việt Nam năm 2016 là 5,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số này đã tăng 11,92% so với năm 2015.

Tuy nhiên từ cuối năm 2016 đến nay, hoạt động M&A tại Việt Nam có xu hướng chậm lại, các thương vụ lớn cũng thưa dần. Riêng quý I/2017, tổng giá trị các thương vụ chỉ đạt 1,1 tỷ USD, tương đương khoảng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, nếu không có gì đột phá thì dự báo tổng giá trị M&A năm 2017 sẽ rất khó vượt qua con số ấn tượng của năm 2016.


Diễn đàn M&A 2017, hoạt động thu hút 20 diễn giả và 400 lãnh đạo cao cấp từ nhiều các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, đã cung cấp một cái nhìn tổng thể và sâu sắc về thị trường M&A Việt Nam khi các phần thảo luận chủ yếu xoay quanh 3 nội dung chính gồm nhận diện các yếu tố có thể mang lại đột phá cho thị trường M&A; hiện thực hóa các cơ hội - góc nhìn từ nhà đầu tư quốc tế; và bài học từ những thương vụ lớn.

Tại Diễn đàn M&A năm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định mong muốn “được lắng nghe những đột phá về tư duy” nhằm thúc đẩy thị trường M&A tại Việt Nam.

Cũng theo Bộ trưởng, nền tảng tiềm năng cho hoạt động M&A có thể được nhìn thấy từ nhiều chủ trương lớn. Điển hình như khuyến khích hình thức đối tác công-tư (PPP) tại các dự án hạ tầng, hay tổng quát hơn là hành lang pháp lý thuận lợi với nhiều luật vừa mới ban hành hoặc đang được xây dựng. Trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018); Dự thảo Luật Quy hoạch; Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Đây là những luật hết sức quan trọng, mang tư duy đột phá về quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nền kinh tế nói chung và thị trường M&A nói riêng tại Việt Nam

Còn theo các nhà nghiên cứu đến từ IMAA, Diễn đàn M&A Việt Nam, ĐH Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội và một số tổ chức tư vấn, để thúc đẩy dòng vốn M&A chảy vào Việt Nam mạnh hơn, cần có “nguồn hàng” tốt, tức tỉ lệ cổ phần bán ra ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải ở mức hấp dẫn. Tiếp theo là dỡ bỏ bớt rào cản về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư, về vấn đề thuế tại các giao dịch M&A. Một điều quan trọng nữa là tăng cường tính minh bạch về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính của các doanh nghiệp tại Việt Nam (kể cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân.

Phương Hiền

Tổng hợp

Vietnam Report