Tín dụng chững lại, dòng tiền đổ dồn về ngân hàng

16/03/2020

Chuyên mục:

Tăng trưởng tín dụng gần như đứng im trong 2 tháng đầu năm cho thấy sản xuất kinh doanh đang chậm lại. Trong khi đó, dòng tiền gửi tiết kiệm vẫn chọn ngân hàng để tích luỹ an toàn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong hai tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với 1% của cùng kỳ năm trước. Mặc dù các tổ chức tín dụng đã tung ra nhiều gói hỗ trợ DN, nhưng nhu cầu vay vốn vẫn giảm.

Mức tăng trưởng tín dụng thấp phản ánh sự khó khăn của các DN. Một DN sản xuất lắp ráp ô tô tại TP.HCM đã tạm ngừng hoạt động cho biết, mỗi năm riêng vốn lưu động vay từ các ngân hàng vào khoảng 200 tỷ đồng. Thông thường, DN này vay theo kỳ hạn từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, do đầu năm nay khó khăn nên công ty đã tạm ngừng hoạt động. Các ngân hàng có mời chào gói vay với lãi suất thấp hơn 1% so với trước, nhưng họ chưa có nhu cầu.

Trong khi đó, chủ một DN nhỏ tại Ninh Bình, chuyên xuất khẩu ớt tươi sang thị trường Hàn Quốc và Đài Loan, kể rằng, hiện phía đối tác thông báo ngừng nhập hàng, công ty lâm vào cảnh khó khăn. Mọi hoạt động chỉ cầm chừng, hàng tồn đọng giữ trong container lạnh lên tới gần 5 tỷ đồng.

“Mọi năm chúng tôi vay vốn ngân hàng khoảng 10 tỷ đồng, nhưng từ đầu tháng 2 đến nay do bí đầu ra, hàng không xuất được nên không vay nữa. Giờ còn đang lo trả nợ khoản vay từ cuối năm 2019 sắp đến hạn”, vị này than thở.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, hai tháng đầu năm 2020 có gần 16,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo thống kê của các ngân hàng, một loạt ngành hàng đang chịu ảnh hưởng lớn như nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục,...

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay dư nợ cho vay với khối DN chiếm trên 53% trong tổng dư nợ tín dụng. Hầu hết các DN thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề, đều vay vốn lưu động từ các tổ chức tín dụng. Vì vậy, khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì các tổ chức tín dụng cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Một số ngân hàng TMCP thừa nhận tháng 2/2020 tăng trưởng tín dụng gần như đứng im. Dù các ngân hàng đã giảm lãi vay từ 1-1,5 điểm %/năm, đưa ra nhiều gói hỗ trợ, nhưng DN không vay bởi sản xuất kinh doanh ngưng trệ. 

Tín dụng chỉ tăng 0,06% chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện rất thấp. Sản xuất kinh doanh khó khăn, DN không có nhu cầu vay vốn, TS. Cấn Văn Lực nhận xét.

Trong khi đó, chỉ trong vòng 5 tuần vừa qua, NHNN thông qua nghiệp vụ mở đã phải hút ròng về 120.000 tỷ đồng, đây là điều hiếm có từ trước đến nay, nó thể hiện thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào.

Các dự báo cho thấy, khó khăn không thể qua nhanh. Phải mất khoảng 2-3 tháng nữa, các DN đang tạm ngừng mới có thể quay trở lại hoạt động. Với những DN đang hoạt động, cũng mất khoảng đó thời gian để bình thường trở lại. Nếu dịch Covid 19 vẫn chưa được kiểm soát thì hoạt động sản xuất, dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật,... dịch vẫn bùng phát. Việc xuất khẩu sang các thị trường này gặp khó khăn. Như vậy, nhu cầu về vốn của DN sẽ còn ở mức thấp trong nhiều tháng nữa.

Các gói hỗ trợ lớn sắp được tung ra và các tổ chức tín dụng cũng cam kết đồng hành cùng DN để chia sẻ khó khăn. Tuy nhiên, nhận định của giới chuyên môn cho rằng, khả năng năm nay ngành ngân hàng sẽ không đạt tăng trưởng tín dụng từ 13-14% theo kế hoạch. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Trần Thủy

Nguồn: VietNamNet

VietNamNet