Trong cuộc mạn đàm cuối tuần, tôi và những người bạn đã xoay quanh một câu chuyện nóng về kinh tế Việt Nam. Đó là dường như đang có một làn sóng doanh nghiệp Việt bán mình, với các thương vụ lên đến 5,8 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, trong đó 77% bên mua là nhà đầu tư nước ngoài và tiếp đó, chỉ trong một năm (từ tháng 4-2016 đến nay) mà người Việt đã chuyển tới hơn 3 tỉ đô la sang Mỹ để mua bất động sản.
Từ góc nhìn khái quát, chúng tôi tự hỏi: Phải chăng doanh nhân Việt đã chán kinh doanh trên đất nước mình và có phải nền kinh tế của chúng ta đang bị chảy máu ngoại tệ?
Để trả lời hai câu hỏi trên, tôi muốn luận bàn ba vấn đề sau đây.
Người ta kinh doanh để làm gì?
Rất nhiều người sẽ trả lời ngay rằng kinh doanh để kiếm tiền và kiếm thật nhiều tiền. Trên thực tế, sự thật không phải như vậy hay không đơn giản thế. Năm 2014, tạp chí hàng đầu Business Journals đã khảo sát 800 chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Mỹ, từ đó khái quát bốn lý do chính và cũng là bốn điều căn bản tạo nên động lực để con người khởi nghiệp và kinh doanh như sau:
Thứ nhất, kinh doanh để thỏa mãn niềm đam mê và trong bản thân nó chứa đựng tình yêu. Ở đây không phải là đam mê tiền bạc một cách trần trụi mà là một lĩnh vực hay hoạt động nào đó; nó khiến người ta trăn trở tới mức ám ảnh và rồi sôi lên nhiệt huyết. Nói cụ thể hơn, đó chính là cái cách để kiếm tiền mà không phải là tiền. Chả thế mà khi dấn thân vào kinh doanh rồi thì nhiều người lãng quên luôn những người tình bằng xương, bằng thịt của mình
Thứ hai, kinh doanh là tìm kiếm tự do và vị thế quyết định độc lập. Đây là cái đích nhưng cũng là phẩm chất dễ thấy nhất của bất cứ doanh nhân nào. Không có tự do thì không có sáng tạo, và muốn doanh nghiệp của mình tồn tại được một cách lâu dài, doanh nhân buộc phải sáng tạo không ngừng. Bên cạnh đó là tính quyết đoán trong hành động và tinh thần dám chịu trách nhiệm. Nghe nói vậy dễ nhiều người sợ nhưng họ không biết rằng khi đạt tới vị thế như vậy rồi thì con người sẽ có hạnh phúc vô bờ bến, bởi mình được sống đúng với con người và cuộc đời của mình, một cách không lệ thuộc
Thứ ba, kinh doanh là cách thức tạo lập và để lại các di sản vật chất và tinh thần của mình. Nếu ai đó chỉ muốn có tiền, dù rất nhiều tiền, nhưng chỉ để chi tiêu cho bản thân thì chắc chắn người đó không thể kinh doanh thành công. Bạn phải thật sự có tham vọng và ước mơ làm được điều gì đó to lớn hơn và có thể đo đếm được cho mục đích để lại cho đời, trước hết cho con, cháu mình. Thế nên, hãy nhìn những doanh nhân thành đạt ở đỉnh cao, có thấy mấy người “ăn chơi, hưởng lạc” đâu? Họ bận suốt ngày và chỉ xả hơi khi mệt mỏi, thậm chí vẫn làm việc kể cả trong khi nghỉ
Thứ tư, kinh doanh là chấp nhận dấn thân vào mọi thử thách, coi thương trường như chiến trường và đổi lại là hy vọng và niềm vui chiến thắng. Chả thế mà rất nhiều người nước ngoài đã đến Việt Nam, hay những nước khác còn nhiều khó khăn hơn để kinh doanh. Bởi đơn giản, nhà kinh doanh luôn luôn nhìn đời lạc quan và họ dễ dàng tìm thấy cơ hội trong cái khó khăn và thử thách. Điều thú vị ở chỗ: đương nhiên có nhiều nhà kinh doanh sau đó thất bại, nhưng rồi rất ít người từ bỏ mà phần nhiều lại đứng dậy và thử tiếp, cho tới khi thành công hoặc không còn cơ hội.
Vì sao doanh nhân Việt đua nhau bán doanh nghiệp cho người nước ngoài?
Trên thực tế từ khoảng 10 năm trở lại đây, sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia vào thương mại toàn cầu với các luật chơi chung, các nhà đầu tư nước ngoài đã chú ý đến thị trường M&A tại Việt Nam. Lý do đơn giản, bởi đó là con đường đầu tư chuyên nghiệp để tiếp cận thị trường mới một cách nhanh gọn và trong nhiều trường hợp là đỡ tốn kém nhất. Các doanh nhân Việt đáp lại nhu cầu đó có phần rụt rè ban đầu, nhưng sau đó đầy hào hứng bởi hai lý do: Thứ nhất, do không có tầm nhìn xa và chiến lược hội nhập toàn cầu nên họ trở nên lúng túng, không biết đi đâu về đâu; và thứ hai, họ có tâm lý của người “mua lẻ nhưng bán buôn”, tức đã tích cóp các đồng vốn và lãi bằng công sức khó nhọc nhiều năm, nay đến lúc mệt mỏi thì lại được người ngoài trả giá cao và trọn gói; cho nên, dù có toan tính gì thì quy luật lợi nhuận cuối cùng cũng thắng. Bởi vậy, là người gắn bó với thương trường, tôi có cái nhìn khá tích cực về xu hướng này khi cho rằng M&A luôn luôn là cơ hội kinh doanh và kiếm lời tốt cho cả hai phía: kẻ bán và người mua.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia vào thương mại toàn cầu với các luật chơi chung, các nhà đầu tư nước ngoài đã chú ý đến thị trường M&A tại Việt Nam. Các doanh nhân Việt đáp lại nhu cầu đó có phần rụt rè ban đầu, nhưng sau đó đầy hào hứng. Ảnh: Thành Hoa.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu thể chế, tôi lo ngại về hiện tượng nhiều doanh nghiệp nội địa rất lớn và rất thành công sau nhiều năm lăn lộn để phát triển và đứng vững trên thương trường, bỗng nay lại sẵn sàng để được chuyển nhượng cho người nước ngoài, cho dù cái giá thu về có thể cũng khá lớn, thậm chí hơn cả mức tưởng tượng của các cổ đông. Điều này có gì đáng ngậm ngùi không? Đương nhiên là có với tâm lý người Việt. Tuy nhiên, các quyết định kinh doanh cần được chi phối bởi lý trí hơn là tình cảm, kể cả khi đó là tình cảm quê hương, đất nước. Vậy thì lý trí nào được thể hiện ở đây?
Thẳng thắn mà nói, trong bốn động cơ và phẩm chất gắn với kinh doanh ở trên thì các doanh nhân Việt còn thiếu khá nhiều, hoặc có nhưng chưa đủ độ chín cần thiết, mà biểu hiện rõ nhất là tâm lý “cả thèm, mau thỏa mãn và chóng chán” ở nhiều người. Nhược điểm này cần có thời gian mới có thể khắc phục.
Tuy nhiên, đó lại không phải là lý do cơ bản trong trường hợp M&A với các doanh nghiệp lớn. Tại sao vậy? Bởi với các doanh nghiệp này, mà phần nhiều đã đại chúng hóa về sở hữu qua sàn chứng khoán, tâm lý của doanh nhân như người chủ sở hữu không còn tồn tại mà thay vào đó là tâm lý của nhà điều hành. Đó là những cá nhân không còn chi phối về sở hữu nhưng lại có quyền quyết định cao nhất, tương đồng với việc phải gánh trách nhiệm lớn nhất đối với doanh nghiệp. Đối với họ, rất tiếc rằng các cân nhắc để bán doanh nghiệp lại thường không hẳn đến từ các yếu tố thị trường hay lợi nhuận, mà từ các vấn đề của thể chế và môi trường kinh doanh.
Những người này, hơn ai hết, rất hiểu các khó khăn, trở ngại mà họ đã và đang phải đối mặt khi đứng đầu doanh nghiệp, bao gồm cả các bất trắc về cá nhân mà bản thân họ phải gánh chịu khi gặp bất cứ sự cố nào mà phần nhiều trong số đó lại không lường trước được. Quyết định từ bỏ sở hữu hay quyền điều hành doanh nghiệp đối với họ trong trường hợp như vậy sẽ có ý nghĩa là sự giải thoát khỏi các rủi ro đó, tuy nhiên, đôi khi cũng xuất phát từ một lập luận cho rằng một doanh nghiệp Việt với sở hữu nước ngoài sẽ an toàn và có cơ hội tiến đến chuyên nghiệp hơn trong môi trường thể chế và kinh doanh hiện tại. Rất tiếc, tâm lý này đang hiện hữu trong giới kinh doanh và là điều mà chúng ta không thể yên lòng.
Vì sao ngoại tệ từ Việt Nam chảy ra nước ngoài?
Vấn đề thứ ba này chắc chắn làm đau đầu các nhà điều hành vĩ mô, bởi câu hỏi vẫn là “tại sao?”. Nếu bỏ qua lý do rửa các đồng tiền bất hợp pháp thì cách trả lời đơn giản nhất chính là đặt lại một câu hỏi: Nếu có tiền bạn sẽ làm gì? Một người châu Âu sẽ dễ dàng nói ngay: “Tôi chơi chứng khoán”, trong khi một người châu Á thường quyết định đầu tư vào bất động sản. Bất động sản ở cả Mỹ và châu Âu rẻ và sinh lời ổn định hơn nhiều so với các thành phố lớn của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, cho nên xu hướng chảy của dòng tiền ra ngoài để mua bất động sản sẽ không có gì lạ. Ngược lại, dòng ngoại tệ mạnh đã và đang chảy vào Việt Nam suốt nhiều năm qua cũng theo một quy luật tương tự, bởi lãi suất tiền gửi và cho vay ở Việt Nam luôn luôn cao hơn.
Tôi thấy một câu hỏi đáng suy nghĩ hơn là: Liệu những người Việt đã chuyển tiền ra nước ngoài đó sẽ cùng di chuyển với tiền của họ hay không? Không thể có câu trả lời giống nhau cho muôn ngàn tình huống cá nhân trong câu chuyện này, bao gồm cả hành vi trốn chạy cùng với các đồng tiền phi pháp. Tuy nhiên, có hai yếu tố chung mang tính phổ quát và được coi là tác động từ môi trường thể chế và pháp luật.
Thứ nhất, đó là sự bảo đảm về quyền tự do đi lại trong phạm vi toàn cầu. Quốc gia nào được hưởng ưu đãi miễn thị thực rộng rãi nhất từ các quốc gia khác cho công dân của mình chắc chắn sẽ là nơi thu hút được cả đầu tư lẫn dòng người đến cho mục đích hưởng quyền công dân.
Thứ hai, đó là vấn đề bảo hộ công dân của mỗi nhà nước trong trường hợp công dân đó đang ở nước ngoài. Những người có tiền thường hay di chuyển, và họ có quyền đặt một câu hỏi chính đáng rằng liệu nhà nước nơi mình mang quốc tịch có sẵn sàng và đủ năng lực che chở, bảo vệ mình hay không một khi có tình huống rắc rối về pháp lý xảy ra? Khi thiếu niềm tin vào điều đó, sự ra đi của họ sẽ kèm theo động cơ tìm kiếm cho mình một hộ chiếu mới. Sự cân nhắc theo hai khía cạnh trên sẽ giúp thêm cho chúng ta có câu trả lời.
Vậy nên, suy cho cùng, con đường cải cách thể chế và môi trường kinh doanh như Đảng và Chính phủ đang quyết tâm đi tiếp, để làm cho quốc gia lớn mạnh và tạo chỗ dựa tin cậy cho người dân, vẫn luôn luôn là giải pháp đúng.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Vietnam Report