Tổng quan xuất nhập khẩu của Việt Nam với 14 thị trường RCEP

19/11/2020

Chuyên mục:

Thương mại 2 chiều Việt Nam với 14 thành viên của Hiệp định RCEP đạt 240 tỷ USD, chiếm gần 54,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tính hết tháng 10/2020

10 tháng 2020, thương mại Việt Nam với 14 thị trường RCEP đạt 240 tỷ USD.

10 tháng 2020, thương mại Việt Nam với 14 thị trường RCEP đạt 240 tỷ USD. Ảnh: Internet

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 10 tháng 2020, thương mại 2 chiều của Việt Nam với 14 thị trường trong khối thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đạt 240 tỷ USD, chiếm gần 54,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tính hết tháng 10/2020.

Đứng đầu về giá trị trao đổi thương mại của Việt Nam với các thành viên RCEP là Trung Quốc, khi 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 103,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 37,9 tỷ USD và nhập khẩu 65,6 tỷ USD.

Thương mại 2 chiều với Hàn Quốc ghi nhận 53,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 16 tỷ USD và nhập khẩu gần 37,5 tỷ USD.

Thị trường Nhật Bản đạt mốc trên 32 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 15,5 tỷ USD và nhập khẩu 16,5 tỷ USD.

Trong khi đó, trao đổi thương mại với 9 thị trường ASEAN đạt 43,4 tỷ USD; xuất khẩu 19 tỷ USD và nhập khẩu 24,4 tỷ USD.

2 thị trường còn lại là Australia và New Zealand có giá trị trao đổi thương mại khiêm tốn hơn. Cụ thể, thương mại 2 chiều với Australia 6,77 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 2,99 tỷ USD, nhập khẩu 3,78 tỷ USD. Với New Zealand  đạt 870 triệu USD, trong đó xuất khẩu gần 400 triệu USD, nhập khẩu 460 triệu USD.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand vừa được ký kết hôm 15/11, khi có hiệu lực, sẽ bao phủ 30% GDP toàn cầu. Đây là mức ước tính khi RCEP-15, không có Ấn Độ.

Hiệp định cũng để ngỏ cơ hội tham gia cho Ấn Độ, quốc gia đã rút ra khỏi đàm phán tháng 11/2019. Và theo dự báo của HSBC, đến năm 2030, dù vẫn không có Ấn Độ, RCEP sẽ tạo ra thị trường chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu.

Là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm một thị trường khổng lồ, do đó, RCEP khi đi vào thực thi, mở cơ hội đẩy mạnh xuất - nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn (là đầu vào cho sản xuất) và máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại phù hợp.

Các thị trường trong khối RCEP hiện bao trùm gần như toàn bộ chuỗi sản xuất của nhiều loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh, như sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến...

Thế Hoàng

Theo Báo Đầu Tư