Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023

06/12/2023

Chuyên mục:

Ngày 06/12/2023, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023.

Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên ba tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2023.

Danh sách 1: Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023 - Nhóm ngành Giao nhận quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ Logistics bên thứ 3, thứ 4

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023, tháng 12/2023

Danh sách 2: Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023 - Nhóm ngành Vận tải hàng hóa

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023, tháng 12/2023

Danh sách 3: Top 5 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023 - Nhóm ngành Khai thác cảng

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023, tháng 12/2023

Danh sách 4: Top 5 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023 - Nhóm ngành Chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023, tháng 12/2023

Kinh tế thế giới đang trải qua thời kỳ khó khăn khi mà các động lực chủ chốt của tăng trưởng toàn cầu đều suy yếu do hàng loạt những sự kiện như COVID-19, căng thẳng chính trị và thương mại… đã tạo làn sóng tiêu cực lan tỏa, gieo rắc sự không chắc chắn trong cả bức tranh kinh tế toàn cầu. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,24% trong 9 tháng đầu năm 2023; và được Tổng cục Thống kê dự kiến mức tăng cả năm 2023 khoảng 5,0%. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng trên vẫn cao hơn mức tăng trưởng toàn cầu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo khoảng 3,0%.

Những khó khăn trên không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung mà còn lan rộng đến ngành Logistics và đang đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong ngành này. Chính phủ và các doanh nghiệp đang nỗ lực không ngừng để lấy lại đà tăng trưởng của ngành Logistics, nhấn mạnh vai trò quan trọng đưa ngành này trở thành động lực chính cho nền kinh tế.

Thêm vào đó, doanh nghiệp Logistics còn nhận được sự hỗ trợ từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, được thể hiện qua việc ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do. Sự chuyển đổi số mạnh mẽ và các giải pháp Logistics thân thiện với môi trường cũng là yếu tố hỗ trợ quan trọng. Vượt qua được các khó khăn hiện tại, doanh nghiệp Logistics trong nước sẽ nắm bắt được cơ hội lớn để xây dựng uy tín, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn thế giới.

Bức tranh kinh tế ngành Logistics năm 2023

Ngành Logistics là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò kết nối các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa. Trong những năm gần đây, ngành Logistics Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14% - 16%/năm. Dự báo của Mordor Intelligence đối với ngành vận tải hàng hóa và Logistics có dung lượng thị trường đạt 45,19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 6,34% trong giai đoạn 2023 – 2029.

Trước những diễn biến xấu khó lường từ kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đầu năm đồng thời giảm so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm lần lượt 5,9% và 10,7%. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng khối lượng vận tải hàng hóa nước ta ước đạt 2.062,3 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận tải thủy nội địa có mức tăng lớn nhất đạt 18,5%; vận tải hàng không, đường bộ, đường biển có mức tăng lần lượt là 13,6%, 11,7% và 9,9%; riêng với vận tải đường sắt, lượng hàng hóa ghi nhận mức sụt giảm đáng kể 22,4%. Xét riêng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển lũy kế từng tháng năm 2023, thời điểm tháng 01 có lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng âm; đến hết quý I, duy nhất lượng hàng hóa nhập khẩu qua cảng biển ghi nhận tăng trưởng dương. Lũy kế 08 tháng đầu năm, lượng hàng hóa xuất khẩu chưa ghi nhận cải thiện mà còn có chiều hướng xấu đi; ngược lại, hàng hóa nhập khẩu và nội địa đã tăng trưởng dương nhưng con số chưa thể vượt được mức 4,0%.

Hình 1: Tỷ lệ tăng trưởng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển lũy kế 08 tháng đầu năm 2023

Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam từ tháng 01/2023 – tháng 08/2023

Về phía doanh nghiệp Logistics, theo khảo sát của Vietnam Report, phần lớn các doanh nghiệp Logistics đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm. Đáng chú ý, trong số 66,7% số doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, có tới 40,0% số doanh nghiệp cho biết có mức sụt giảm đáng kể. Yếu tố chi phí của doanh nghiệp Logistics ghi nhận nhiều điểm sáng khi có tới 60,0% doanh nghiệp có tổng chi phí giảm. Điều này cũng phản ánh chính xác những nỗ lực ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hạ lãi suất cho vay cho từ phía Chính phủ.

 Hình 2: Biến động doanh thu, chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp Logistics 09 tháng đầu năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Logistics năm 2023, tháng 10-11/2023

Những thách thức mà doanh nghiệp Logistics đang đối mặt

Chứng kiến sự chững lại của kinh tế toàn cầu, cùng với kết quả kinh doanh trong 09 tháng đầu năm 2023, hiện nay các doanh nghiệp Logistics trong nước đang đối mặt với những thách thức như sau:

Thứ nhất, về nhóm 03 yếu tố: Giảm số lượng đơn hàng, Kinh tế tăng trưởng chậm, Bất ổn chính trị trên thế giới. Ngành Logistics gắn liền với các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóatrong nước và thế giới. Khi những yếu tố bất lợi cho nền kinh tế hiện hữu như bất ổn chính trị, lạm phát tăng cao sau những chính sách kích cầu tại nhiều quốc gia trong thời kỳ COVID-19, đã đánh dấu mốc chấm dứt thời kỳ tăng trưởng nóng, nền kinh tế khó tránh khỏi tăng trưởng chững lại. Đây là yếu tố tiêu cực có tác động nhanh nhất tới doanh nghiệp Logistics, nhất là các doanh nghiệp phục vụ hoạt động Logistics quốc tế.

Thứ hai, liên quan tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Cuộc cạnh tranh về giá lẫn dịch vụ diễn ra gay gắt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, sẵn sàng lỗ 03 đến 05 năm để giành được thị phần. Ngoài ra, với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử - nơi phát sinh sản lượng ngành Logistics ngày càng lớn hiện nay, các doanh nghiệp này mở rộng hệ sinh thái, tham gia vào thị trường Logistics, tự chủ hoạt động giao hàng của doanh nghiệp. Để gia nhập và duy trì cuộc chơi, các doanh nghiệp cần đảm bảo phương tiện cần đạt được mức tải tối đa, tối ưu chi phí và tận dụng lợi thế theo quy mô. Ngoài ra, thách thức trên cũng đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp về tối ưu vận hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số - điều này càng khó khăn hơn đối với doanh nghiệp Logistics nhỏ, không có đủ tiềm lực về cả tài chính và con người.

Hình 3: Một số thách thức mà doanh nghiệp Logistics đang phải đi mặt

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Logistics năm 2023, tháng 10-11/2023

Thứ ba, về nhóm các yếu tố tác động đến chi phí của doanh nghiệp: Biến động giá năng lượng, Sức ép tỷ giá, Lạm phát cao, Khó khăn tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động đầu tư. Mặc dù các yếu tố này đã được kiểm soát và hỗ trợ rất tốt từ phía Chính phủ nhưng các doanh nghiệp Logistics chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ suy giảm kinh tế, mức sụt giảm lớn về doanh thu làm doanh nghiệp nhạy cảm hơn với những yếu tố làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, yếu tố chi phí còn liên quan tới cơ sở hạ tầng phục vụ ngành Logistics. Hạ tầng cho Logistics liên quan nhiều đến phần không gian, diện tích, có sự giao thoa với hạ tầng giao thông, công cộng. Chính phủ đã quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc… Tuy nhiên, hạ tầng giao thông thuận tiện hơn chưa thể thúc đẩy ngành Logistics trong ngắn hạn. Về hạ tầng cho lưu kho để xử lý, lưu trữ hàng hóa, theo kết quả phỏng vấn chuyên gia ngành Logistics của Vietnam Report, đầu tư kho bãi gắn với quy hoạch phát triển vùng kinh tế chưa thực sự đồng bộ. Việt Nam chưa có khu vực tập trung dành cho các doanh nghiệp Logistics, dẫn đến hạ tầng Logistics tản mạnnguyên nhân lớn nhất dẫn đến chi phí Logistics cao.

Cuối cùng, liên quan đến nguồn nhân lực ngành Logistics. Khó khăn về nhân lực chi phối và làm hạn chế năng lực trong doanh nghiệp. Với đặc thù của ngành khi được hình thành và phát triển lớn mạnh trên thế giới, những ràng buộc trong một quy trình thực hiện đã được thiết lập sẵn, yếu tố chuyên môn của nhân lực ngành Logistics ngày càng được chú trọng. Theo Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Valoma, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về Logistics là trên 200.000 nhân lực. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực Logistics chỉ đáp ứng khoảng 10,0% nhu cầu thị trường. Số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ Logistics chỉ chiếm khoảng 5,0% - 7,0% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Do đó, có thể nói, nguồn nhân lực Logisticstại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Triển vọng ngành Logistics năm 2023 và một số chiến lược giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế

Trước nhiều kỳ vọng về phục hồi kinh tế cùng mục tiêu tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 của Việt Nam, các doanh nghiệp Logistics cũng bày tỏ lạc quan khi có 34,5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định ngành Logistics sẽ tăng trưởng tốt hơn. Những kỳ vọng lạc quan có được nhờ dấu hiệu phục hồi của cầu quốc tế, tác động tích cực đến doanh thu của ngành Logisticstrong thời gian tới. Hơn nữa, hệ thống cảng – cửa ngõ giao thương quốc tế có được bệ phóng nhờ những thay đổi chính sách của Cục Hàng hải Việt Nam về dự thảo thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT. Theo đó, dự thảo đề xuất tăng 10% giá dịch vụ bốc dỡ container từ năm 2024 tại một số khu vực như cảng Hải Phòng, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Nếu cảng có khả năng tiếp nhận tàu trên 160.000 DWT thì có thể tăng thêm 10% phí dịch vụ nữa, đồng nghĩa việc các cảng có thể tăng chi phí bốc xếp lên 20% so với hiện tại. Kết hợp giữa cầu vận tải tăng cùng chính sách cho phép tăng giádịch vụ mang lại triển vọng tích cực hơn cho các doanh nghiệp ngành Logistics nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp nhóm ngành khai thác cảng.

Trong bối cảnh không ngừng phát triển, ngành Logistics đang thúc đẩy làn sóng tiến bộ công nghệ, tự động hóa quy trình và bảo vệ môi trường. Để luôn dẫn đầu và duy trì tính cạnh tranh, doanh nghiệp Logistics cần luôn cập nhật các xu hướng mới nổi và có liên quan. Những doanh nghiệp thành công là những đơn vị nắm bắt được những xu hướng và thách thức mới nhất trong ngành Logistics và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả để tận dụng chúng. Tổng hợp kết quả nghiên cứu của Vietnam Report kết hợp với phỏng vấn chuyên gia trong ngành cho thấy, các xu hướng định hình thị trường Logistics trong năm 2024 và những năm tiếp theo, bao gồm:

Tính linh hoạt của chuỗi cung ứng

Hoạt động kinh doanh diễn ra nhanh hơn bao giờ hết do liên tục triển khai các tiến bộ công nghệ và xu hướng chuỗi cung ứng đang phát triển. Các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của mình phải linh hoạt nếu muốn duy trì hoặc trở nên cạnh tranh trong môi trường kỹ thuật số ngày nay. Để đạt được sự linh hoạt của chuỗi cung ứng và luôn dẫn đầu xu hướng, các doanh nghiệp logistics cần có khả năng tự quản lý, thực hiện và kiểm soát các bước trong quy trình hoạt động, chủ động kiểm soát trực tiếpthay vì phải dựa vào các đơn vị bên ngoài. Quan trọng nhất, doanh nghiệp Logistics có thể giải quyết các vấn đề ngay khi chúng xảy ra, làm cho tác động của chúng đối với doanh nghiệp ở mức tối thiểu hoặc bằng không. Hơn nữa, mọi cập nhật cho quy trình của doanh nghiệp đều có thể được xử lý nội bộ. Nếu không, doanh nghiệp sẽ phải nhờ nhà cung cấp dịch vụ được quản lý phát hiện và khắc phục mọi sự cố xảy ra trong hệ thống của mình.

Nắm bắt tự động hóa, đáp ứng nhu cầu về dữ liệu và khả năng hiển thị theo thời gian thực

Ngành Logistics và 3PL đang phải đối mặt với một vấn đề rõ ràng: tình trạng thiếu lao động toàn cầu vẫn tiếp diễn. Sự thiếu hụt này góp phần đáng kể vào việc làm tăng giá thành hàng hóa, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và giao hàng. Để chống lại tình trạng thiếu lao động, các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ Logistics chuyển sang xu hướng tự động hóa. Doanh nghiệp logistics có thể khai thác sức mạnh của tự động hóa bằng cách triển khai tích hợp đầu cuối giữa các hệ thống WMS/ERP phụ trợ và nhiều giải pháp thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, khi áp dụng càng nhiều nền tảng và hệ thống hơn vào quy trình kinh doanh, ngày càng có nhiều dữ liệu cần thu thập, đòi hỏi doanh nghiệp cần có một cái nhìn dài hạn và tổng quát về quản trị các luồng dữ liệu để có thể tối ưu hóa việc quản lý và giám sát hoạt động. Thêm vào đó, việc khách hàng yêu cầu cập nhật thông tin liên tục trong suốt quá trình vận chuyển đang ngày càng trở nên phổ biến. Khả năng hiển thị thông tin về địa điểm và thời gian giao hàng rất có giá trị và mang lại lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp, cho phép họ chuẩn bị và quản lý hoạt động kinh doanh của mình tốt hơn.

Nhu cầu ít hơn tải trọng xe tải (Less than truckload-LTL)

Với sự gia tăng phổ biến của thương mại điện tử và nhu cầu vận chuyển nhanh hơn, doanh nghiệp Logistics nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong mảng giao hàng chặng cuối (last mile) nói riêng đang được yêu cầu thực hiện các chuyến hàng nhỏ thường xuyên hơn. Điều này là do các doanh nghiệp không có thời gian chờ đợi cho đến khi họ có đủ đơn đặt hàng để lấp đầy toàn bộ trọng tải phương tiện vận chuyển. Một giải pháp là LTL, còn được gọi là tải trọng ít hơn xe tải. Với phương pháp này, nhiều đơn hàng nhỏ hơn từ nhiều đơn vị khác nhau được đặt trên một hãng vận chuyển - từ đó lấp đầy tải trọng của phương tiện vận chuyển với nhiều điểm dừng giao hàng. Theo chia sẻ của lãnh đạo một số doanh nghiệp trong ngành, giải pháp này đem lại nhiều lợi ích về chi phí, đồng thời giảm đáng kể tác động tới môi trường và đang được họ ứng dụng rộng rãi.

Thị trường vận chuyển hàng hóa kỹ thuật số

Thị trường vận chuyển hàng hóa kỹ thuật số là nền tảng kỹ thuật số cho phép người gửi hàng và nhà vận chuyển có thể kết nối và sắp xếp việc vận chuyển. Nền tảng này giúp các chủ hàng tìm nhà vận chuyển dễ dàng hơn và giúp các nhà vận chuyển tìm thấy nhiều cơ hội kinh doanh hơn - đồng thời giúp cả hai bên đàm phán mức giá tốt nhất cho dự án.

Thực hiện tích hợp hệ sinh thái

Với việc các doanh nghiệp Logistics đang bổ sung thêm nhiều ứng dụng và nền tảng vào hệ sinh thái kỹ thuật số của mình hơn bao giờ hết, họ cần một công cụ tích hợp tất cả các hệ thống khác nhau bên trong và bên ngoài. Giải pháp cho vấn đề này là tích hợp hệ sinh thái. Tích hợp hệ sinh thái là chiến lược kết nối và tích hợp các quy trình kinh doanh tạo doanh thu quan trọng của công ty với các đối tác trong hệ sinh thái bằng cách kết hợp B2B và EDI (trao đổi dữ liệu điện tử), tích hợp dữ liệu và ứng dụng cũng như công nghệ truyền dữ liệu an toàn vào một nền tảng phần mềm duy nhất.

Vì vậy, thay vì phải sử dụng nhiều giải pháp để tích hợp nhiều nền tảng và đối tác thương mại khác nhau, các công ty có thể sử dụng một nền tảng tích hợp toàn diện. Điều này không chỉ làm giảm sự phức tạp trong tích hợp mà còn giúp giảm thiểu lỗi bằng cách đơn giản hóa các quy trình và kết nối. Ngoài ra, tích hợp hệ sinh thái có xu hướng rẻ hơn so với việc phải sử dụng nhiều giải pháp, đồng thời cho phép luồng dữ liệu tốt hơn giữa các hệ thống và công ty vì thông tin có thể được chia sẻ trong thời gian thực.

Để đạt được mức tăng trưởng vượt trội, đưa doanh nghiệp vươn mình trong thời kỳ khó khăn hiện tại, nắm bắt xu hướng phát triển của ngành, top 5 chiến lược trong ngắn hạn được các doanh nghiệp Logistics ưu tiên áp dụng theo khảo sát doanh nghiệp của Vietnam Report như sau: (1) Đơn giản hóa quy trình hoạt động để cắt giảm chi phí; (2) Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (3) Mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới; (4) Tăng cường hoạt động hậu mãi để gắn kết khách hàng; (5) Tăng cường nguồn vốn cho thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số.

Hình 4: Top 5 chiến lược được các doanh nghiệp ngành Logistics ưu tiên áp dụng

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Logistics năm 2023, tháng 10-11/2023

Xu hướng Logistics được dự đoán sẽ phát triển hơn nữa vào năm 2024 để theo kịp những tiến bộ kinh tế và kỹ thuật toàn cầu. Nhìn chung, ngành Logistics sẽ ưu tiên tự động hóa, giải quyết tình trạng thiếu lao động và cố gắng theo dõi thời gian thực để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng.

Mặc dù những xu hướng này sẽ tiếp tục tác động đến ngành Logistics cho đến năm 2024, nhưng sự thành công của các công nghệ non trẻ định hình xu hướng đòi hỏi chúng phải được tích hợp với các giải pháp và cơ sở hạ tầng hiện có.

Thúc đẩy vận tải biển nội địa tại Việt Nam: tiết kiệm chi phí, giảm phát thải

Nằm trong chiến lược phát triển Logistics nội địa, vận tải biển nội địa sẽ là chìa khóa song hành cùng phát triển mạng lưới đường bộ. Xét cơ cấu hàng hóa thông qua cảng biển 08 tháng đầu năm 2023, hàng hóa nội địa đang chiếm phân nửa tổng khối lượng hàng hóa và bằng tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Ngoài phục vụ hoạt động thương mại quốc tế, hệ thống cảng biển còn phục vụ luân chuyển hàng hóa trong nước và là một phần thiết yếu trong mạng lưới Logistics của Việt Nam.

Việt Nam có đường bờ biển kéo dài, thuận lợi cho phát triển hệ thống cảng biển. Trong 34 cảng biển Việt Nam có 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu; 11 cảng biển loại I; 7 cảng biển loại II và 14 cảng biển loại III. Các cảng này đều được phân bổ dọc bờ biển từ Bắc – Nam. Vận tải hàng hóa qua đường biển có lợi thế rất lớn về chi phí vận chuyển trên khối lượng hàng hóa, với chi phí thấp hơn 10,0% - 15,0% so với vận tải đường bộ. Ngoài ra, việc tập trung lượng hàng hóa lớn trên một phương tiện giúp giảm lượng phát thải, đây còn là phương thức vận tải xanh, góp phần làm giảm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường do hoạt động Logistics nói chung gây ra. Ưu điểm như vậy nhưng vận tải biển nội địa cũng như vận tải thủy nội địa chưa thực sự có bước phát triển nhanh, nâng cao hiệu quả Logistics của Việt Nam do việc kết nối của cảng biển tới các phương thức vận tải khác cũng như vị trí các khu công nghiệp còn chưa cao.

Hình 5: Cơ cấu hàng hóa thông qua cảng biển 08 tháng đầu năm 2023

Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam từ tháng 01/2023 – tháng 08/2023

Điều tiên quyết khi phát triển vận tải biển nội địa là kết nối cảng biển với hệ thống cảng thủy nội địa, đường cao tốc, đường sắt… Sự kết nối đưa vận tải biển trở thành lựa chọn tốt hơn cho vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí Logistics và thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương. Quan trọng hơn, vận tải biển không thể tự mình đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả cao nhất. Đó là lý do mà sự kết hợp với ít nhất một phương thức vận tải khác càng được nhấn mạnh.

Ngoài ra, sự cân bằng “cán cân thương mại” của các vùng kinh tế là giải pháp dài hạn cho giảm chi phí Logistics cần được chú trọng. Điều này được hiểu phát triển kinh tế tại các địa phương, các vùng kinh tế theo hướng đảm bảo cân bằng giữa lượng hàng hóa xuất khẩunhập khẩu” của địa phương, vùng kinh tế đó. Song hành với áp dụng công nghệ, giải pháp trên tối ưu triệt để tình trạng container rỗng làm tăng chi phí Logistics hiện nay. Bởi lẽ, công nghệ giúp tối ưu chi phí Logisticscũng không thể vượt qua rào cản vật lý – ở đây là sự mất cân bằng “cán cân thương mại” tại nhiều địa phương, vùng kinh tế.

Đánh giá hoạt động truyền thông của doanh nghiệp Logistics

Kết quả phân tích truyền thông cho thấy, nhóm chủ đề Tài chính/Kết quả kinh doanh và Cổ phiếu vẫn là những nhóm chủ đề được xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông lần lượt chiếm 17,6% và 14,9% trong tổng số lượng thông tin được mã hóa. Trong đó nhóm chủ đề Cổ phiếu có sự gia tăng lớn trong tỷ lệ tin tích cực so với năm trước, được thể hiện qua những diễn biến tích cực của giá cổ phiếu. Bên cạnh 2 nhóm chủ đề kể trên, còn có thêm nhóm chủ đề Hình ảnh/PR/Scandals (10,7%) có tỷ trọng chiếm trên 10,0%. Đáng chú ý, trong năm vừa qua, những hoạt động liên quan tới đầu tư mở cảng; tập trung hoàn thiện, triển khai các dự án hợp tác đã ký của các doanh nghiệp trong ngành đã giúp cho nhóm chủ đề Quản trị vươn lên vị trí thứ năm và tạo ra xu hướng gia tăng trong 3 năm trở lại đây.

Hình 6: Top 5 nhóm chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông giai đoạn 2021-2023

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp dữ liệu Media coding ngành Logistics tại Việt Nam từ tháng 10/2020-09/2023

Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là an toàn khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng tốt nhất là trên 20%. Trong ngành Logistics, hiện có khoảng 55,8% số doanh nghiệp đạt mức 10%, giảm (- 6,1 %) so với năm trước. Giải thích cho kết quả trên, do bị ảnh hưởng tình hình kinh tế Việt Nam cũng như thế giới làm cho lượng hàng hóa lưu thông giảm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành có xu hướng tăng trưởng âm so với cùng kỳ dẫn đến lượng tin tiêu cực gia tăng.

Về nguồn thông tin, mặc dù đã cải thiện so với năm trước (+7,1%) nhưng nhìn chung phần lớn lượng thông tin là từ báo chí khai thác, các doanh nghiệp vẫn còn dè dặt chưa chủ động đưa tiếng nói lên truyền thông.

 

     
  

Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report được công bố từ năm 2017. Từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các doanh nghiệp trên truyền thông. Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Du lịch...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các công ty Logistics tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành Logistics được đăng tải trên các đầu báo có ảnh hưởng trong thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 09/2023. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story - level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn mã hóa (coding) dựa trên 02 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 05 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức - khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

 

  
     

 

Vietnam Report