Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019

25/06/2019

Chuyên mục:

Ngày 25/6 /2019, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019.

Uy tín của các ngân hàng được đánh giá lượng hóa một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá tài chính ngân hàng; đánh giá uy tín trên truyền thông bằng phương pháp Media coding; và khảo sát khách hàng, các ngân hàng và chuyên gia ngành tài chính – ngân hàng được thực hiện trong tháng 5 – 6/2019, và công bố theo 02 danh sách: Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín, và Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần tư nhân uy tín năm 2019.

Danh sách 1: Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019, tháng 6/2019

Danh sách 2: Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần tư nhân uy tín năm 2019


Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019, tháng 6/2019

Thông tin chi tiết Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019, vui lòng truy cập website: https://toptenvietnam.vn/

Ngành ngân hàng Việt Nam 2018 – 2019: Những điểm nhấn

Ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2018 – 2019 được các chuyên gia nhận định là “tăng trưởng theo cách thức mới”, thận trọng hơn so với những năm trước, được thể hiện qua những động thái cụ thể sau:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thể hiện rõ hơn vai trò điều tiết tín dụng, can thiệp có kiểm soát và vẫn giữ được tính thị trường. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 2018 thấp hơn so với các năm trước (khoảng trên 30% trong những năm 2000), đạt mức 14% và khả năng cao sẽ tiếp tục duy trì ở mức 14% - 15% trong năm 2019. Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng tính đến hết ngày 31/5, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Tín dụng tăng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên như: lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,04%; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11%. Lãi suất huy động, tiền gửi tăng hợp lý và tỷ giá biến động không lớn, thể hiện sự chủ động và linh hoạt trong điều hành và thực thi chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam.

Thứ hai, tình hình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn. Việc triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu được tiến hành đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng. Nợ nhóm 2 của các ngân hàng có xu hướng giảm trong năm 2018 và giảm áp lực trích lập trong năm 2019.

Thứ ba, tăng vốn điều lệ giúp củng cố năng lực tài chính của các Ngân hàng thương mại (NHTM). Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” đã đề ra mục tiêu: Tăng vốn điều lệ để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các NHTM nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần. Theo đó, vốn điều lệ của toàn hệ thống tính đến tháng 3/2019 đạt 578,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,45% so với cuối năm 2018 và tăng 63,5% so với cuối năm 2011. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 792,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2018 và 20,1% so với cuối năm 2017. 

Hình 1: Vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng qua các năm (đơn vị: nghìn tỷ đồng)

Nguồn: NHNN 

Những nỗ lực của Chính phủ và NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian qua đã được các tổ chức tín dụng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB; S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB. Trong thời gian tới, thị trường tài chính được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, tín dụng được kiểm soát chặt chẽ đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông...) nhằm xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh, hỗ trợ tốt nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. 

Xu thế Fintech và định hướng chuyển đổi mô hình Ngân hàng số

Trong 2-3 năm trở lại đây, sự xâm nhập của công nghệ vào lĩnh vực tài chính (Fintech – Công nghệ tài chính) được xem như một trào lưu “hợp thời” trước bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển toàn cầu và sự thay đổi hành vi online của khách hàng (bao gồm hoạt động mua sắm, giải trí, mạng xã hội…). Theo thống kê của Vụ Thanh toán (NHNN), số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong quý 1/2019 đã tăng 18,45%, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng khoảng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động thanh toán điện tử, nhất là qua điện thoại di động cũng tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị giao dịch (tăng tương ứng 97,75% và 232,3%). 

Theo số liệu khảo sát các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam do Vietnam Report thực hiện, 100% ngân hàng được hỏi cho biết, họ dự định sẽ hợp tác với các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán nhằm hướng đến mục tiêu “thanh toán không tiền mặt”. Một số mô hình thành công hiện nay như Uber, Grab, Alibaba, Amazon… đang ứng dụng công nghệ có liên kết thanh toán với các ngân hàng. 

Hình 2: Kế hoạch mở rộng cơ hội hợp tác với công ty Fintech của các NHTM Việt Nam 2019 - 2020
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các NHTM Việt Nam, tháng 6/2019

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành vẫn tỏ ra e dè về Fintech, cho rằng xu thế này có thể gây nên một số tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành ngân hàng:

Thứ nhất, xu thế Fintech là tất yếu, tốc độ phát triển rất nhanh, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng tham gia để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong khi trình độ công nghệ, vốn, nhân sự… đều còn rất hạn chế. Các NHTM lớn mặc dù có đủ vốn đầu tư, song họ cũng phải cân nhắc khi đặt trong bài toán chi phí, lợi nhuận và những ưu tiên chiến lược trong năm 2019.

Thứ hai, sự lo ngại phát sinh các vấn đề an ninh tài chính và bảo mật thông tin khách hàng. Việc thanh toán trực tuyến hay thanh toán qua di động sẽ thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng ít tiền mặt, thuận tiện hơn, tuy nhiên vấn đề bảo mật và an ninh được người dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là khi các vụ lừa đảo, mất tiền trong tài khoản ngân hàng… đang ngày càng gia tăng.

Thứ ba, sự phát triển của Fintech vô hình chung khiến việc quản lý lưu thông tiền tệ của Chính phủ và NHNN trở nên phức tạp hơn. Tại Việt Nam dự kiến sẽ có gần 100 công ty Fintech tham gia, đòi hỏi cần có cơ chế pháp luật để quản lý hoạt động của các công ty này. Đồng thời, NHNN cũng cần có các văn bản điều chỉnh và bổ sung các nguyên tắc trong quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền quốc tế, các quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán qua trung gian… để giảm thiểu tối đa các rủi ro tài chính có thể xảy ra.

Ưu tiên ứng dụng công nghệ mới nhưng cần thận trọng để bảo vệ uy tín ngành ngân hàng

Theo kết quả khảo sát các NHTM đang hoạt động tại Việt Nam vào tháng 6/2019, gần 3/4 số ngân hàng được hỏi cho biết sẽ ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới trong hệ thống quản lý, phục vụ khách hàng; hơn 3/5 ngân hàng dự định đầu tư nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Ngoài các ưu tiên có liên quan tới hoạt động kinh doanh, hơn 50% ngân hàng tỏ ra quan tâm đến việc nâng cao uy tín, hình ảnh trên truyền thông.

Hình 3: Top 5 chiến lược ưu tiên của các NHTM trong năm 2019 - 2020

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các NHTM Việt Nam, tháng 6/2019

Xây dựng hình ảnh ngân hàng trên truyền thông trong thời đại công nghệ thông tin phát triển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với các ngân hàng. Thực tế nghiên cứu truyền thông cho thấy, ngân hàng là lĩnh vực làm truyền thông tốt nhất, với sự hiện diện liên tục và đa dạng trên các trang báo tài chính – ngân hàng, đầu tư và các trang tin tức có nhiều độc giả nhất. Trong 12 tháng gần đây, trong số 1.440 coding unit xoay quanh 4 chủ đề (trong tổng số 24 nhóm chủ đề bao phủ thông tin, không bao gồm nhóm về Tài chính, Kinh doanh), bao gồm: Hình ảnh công chúng, Nghiên cứu phát triển, Nhân sự và Hợp tác chiến lược, thì Sự kiện (10,2%), Sự hợp tác với các công ty khác (9,4%) và Hình ảnh tích cực (6,5%) là 3 nhóm thông tin được nhắc đến nhiều nhất, cho thấy các ngân hàng thời gian qua rất chủ động hợp tác với các công ty khác (Fintech, bảo hiểm…) nhằm ra mắt các sản phẩm/ tiện ích mới phù hợp hơn với xu thế và nhu cầu của khách hàng.

Hình 4: Top 5 nhóm thông tin tập trung về các chủ đề Hình ảnh công chúng, Nghiên cứu phát triển, Nhân sự và Hợp tác chiến lược của các NHTM trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các NHTM trong thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2019

Với sự hỗ trợ chính sách tích cực của Chính phủ và NHNN gắn liền với chủ trương xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, minh bạch, bao gồm cả yếu tố nội hàm là bắt đầu hình thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, các NHTM sẽ có nhiều cơ hội để trưởng thành và phát triển. Hình ảnh ngành ngân hàng cũng nhờ đó được cải thiện, uy tín và niềm tin được củng cố.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, sức ép về bảo mật thông tin, vấn đề an ninh mạng, an toàn giao dịch… luôn đeo bám ngành ngân hàng. Các NHTM nên cân nhắc cẩn trọng trong việc phân bổ nguồn lực cho chiến lược ưu tiên, cân nhắc tăng trưởng chậm lại nhưng kiểm soát được tình hình trước những sự cố có thể phát sinh trong quá trình hoạt động.

Bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản – Xây dựng, Bảo hiểm, Dược, Công nghệ, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các ngân hàng được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 05/2018 đến tháng 05/2019. Tổng số có 1.617 bài báo, tương ứng 3.597 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các ngân hàng, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.
 

Lễ Công bố Top 10 Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 08/8/2019 tại Khách sạn Intercontinetal Ha Noi Landmark 72, Thành phố Hà Nội.

Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ theo hotline: 0904 766 410

Website: https://toptenvietnam.vn/

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/vef/cong-bo-top-10-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-uy-tin-nam-2019-544482.html

 Theo Vietnamnet.vn

Vietnam Report