Triển vọng tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2019

18/07/2019

Chuyên mục:

Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2019 tương đối ổn định, do đó nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của vốn, công nghệ và các nguồn lực kinh tế quốc tế. Theo các chuyên gia, điều này sẽ vẫn tiếp tục duy trì trong hai quý cuối năm 2019 và dự báo về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là rất khả quan.

Nhiều tổ chức dự báo tích cực về GDP 2019

Năm 2019, Chính phủ xác định là năm “bứt phá”, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng và triển khai nhiệm vụ nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thành tích tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm với mức tăng chung đạt 6,76% là kết quả của nỗ lực điều hành của Chính phủ và toàn bộ các khu vực nền kinh tế.

Dự báo kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2019, các chuyên gia đến từ Trung tâm Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF) cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đạt kết quả khả quan khi các mục tiêu kế hoạch phát triển đối với một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ có khả năng hoàn thành và vượt kế hoạch đặt ra của năm 2019. Trong những tháng còn lại của năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng đan xen cả những mặt thuận lợi và hạn chế đến từ kinh tế quốc tế và các yếu tố từ bản thân nội tại của nền kinh tế.

Về mặt tích cực, kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ nhờ có dòng vốn tăng từ du lịch, kiều hối và đầu tư FDI, tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa đang được đẩy mạnh. Tăng trưởng nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu và cơ chế thúc đẩy nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng vẫn có mức tăng trưởng khả quan thông qua những chính sách thúc đẩy sản xuất từ Chính phủ.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục tăng cường như thu hút FDI được hưởng lợi khi có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ trong năm 2019; vốn đầu tư phát triển đạt kết quả thuận lợi khi Chính phủ tiếp tục thúc đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; XNK cũng nhận được nhiều thuận lợi từ các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định trong những tháng cuối năm.

TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF cho biết, tăng trưởng kinh tế của cả năm 2019 dự báo ở mức 6,86%, vượt so với mục tiêu 6,6-6,8% của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ. Các chỉ tiêu về lạm phát, tỷ trọng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ thời gian qua trong bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế thế giới và trong khu vực.

Cũng dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2019, mới đây, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tăng trưởng kinh tế 2019 có thể đạt mức 6,82%. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%, thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỷ USD, đồng thời lạm phát bình quân năm 2019 đạt 3,38%.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), với mức tăng trưởng đạt 6,71% của quý II/2019, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 của VEPR hết sức khả quan, ở mức 6,96%, cao hơn so với dự báo của cả NCIF và CIEM.

Những thách thức lớn

Mặc dù nhận định tích cực về tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm, tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhắc tới những thách thức đến từ những xung đột trong quan hệ thương mại của các nước lớn có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong nửa cuối 2019. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Nhật – Hàn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và các liên kết kinh tế mới..., tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. Theo đó, việc Việt Nam nằm trong danh sách cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ vào tháng 5/2019 cho thấy Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Việc hạ thấp giá trị của VND để tăng cường thương mại sẽ là quyết định không sáng suốt trong thời điểm này. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát bình quân quý II đang ở mức vừa phải (2,65%), tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng gần đây. Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu từ quý I đến CPI có thể kéo dài tới 2-6 tháng.

“Lạm phát trong 6 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức thấp, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trong thời gian tới. Nguyên nhân chính từ việc gia tăng đều giá nhóm hàng giáo dục, giá lương thực, thực phẩm tăng do Dịch tả lợn châu Phi cùng với giá nhiên liệu biến động bất ổn”, ông Nguyễn Đức Thành lưu ý.

Chuyên gia đến từ NCIF nhấn mạnh, những tháng còn lại của năm 2019, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như điện thoại, điện tử không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước, đi kèm với sự giảm tốc theo lộ trình của ngành khai khoáng. Cụ thể, động lực tăng trưởng từ Samsung còn là một ẩn số trước những lo ngại về mức giảm quy mô sản xuất của DN này so với cùng kỳ. Trên thực tế, đà suy giảm kinh doanh của Samsung bắt đầu từ cuối năm 2017 và xuyên suốt cả năm 2018. Thách thức cạnh tranh mà Samsung gặp phải trên thị trường toàn cầu có thể khiến DN sụt giảm tăng trưởng, tác động làm cho ngành công nghiệp chế biến dù vẫn trong xu hướng tiếp tục cải thiện song mức độ tích cực sẽ chậm lại so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, XK nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm, thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ. Một trong những lý do là các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong XK, khiến cho giá giảm sâu trong khi đó, các nước NK nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Chưa kể, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương diễn ra chậm.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, trong bối cảnh này, vẫn phải tiếp tục chú trọng vấn đề cải cách. “Tôi mong mỏi nhiều hơn ở cải cách trong nước, đó mới là cái của chính chúng ta để thúc đẩy tăng trưởng là cái căn bản. Nếu không cải cách, tất cả những công đàm phán các hiệp định cũng chỉ dành cho người nước ngoài mà thôi, DN Việt Nam sẽ không được hưởng lợi”, TS. Nguyễn Đình Cung nói

Hoài Anh

Báo Hải quan

Vietnam Report