Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 7 thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Như vậy, chỉ còn hơn một tháng nữa CPTPP sẽ có hiệu lực (từ ngày 30/12).
Trước thềm CPTPP, bà Phạm Chi Lan bày tỏ sự lo lắng, là một trong những nước có trình độ phát triển kinh tế thấp nhất trong số các nước thành viên CPTPP nên Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc xử lý những vấn đề mới. Thông qua việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cao, về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ, sở hữu trí tuệ, cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Cùng với đó, phải giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn giữa pháp luật trong nước với quy định của CPTPP.
Tiếp sức cho doanh nghiệp
CPTPP có tác động đến nhiều ngành kinh tế, cũng như các DN. Với các FTA “truyền thống” trước đây, mức độ “mở cửa” của Việt Nam là khá thận trọng (trừ các cam kết với ASEAN). Với hai hiệp định thế hệ mới là FTA Việt Nam - EU và CPTPP, mức cam kết cắt giảm thuế lên gần như tối đa. Đặc biệt với CPTPP, mức cắt giảm lên tới gần 100%, tức gần như toàn bộ các dòng thuế đều sẽ về 0%. Nên việc hàng Việt thất thế ngay trên sân nhà không còn dừng ở nguy cơ nữa mà đã trở thành một thực tế hiện hữu. Với CPTPP, quá trình đó còn có thể được thúc đẩy nhanh hơn.
Do Việt Nam đã ký FTA với 7/10 nước thành viên CPTPP nên sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường chỉ đến từ 3 nước là: Canada, Mehico và Peru. Xét theo mặt hàng, thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Ngoài ra, một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô... Về thương mại dịch vụ và đầu tư, một số ngành như dịch vụ quảng cáo, logistics có thể đối mặt với thách thức về cạnh tranh. Các chuyên gia cũng cảnh báo Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và ngăn chặn tình trạng mượn xuất xứ nhằm hưởng lợi từ CPTPP.
Hiện tại, một vấn đề đang khiến các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia lo ngại là việc phổ biến các nội dung của Hiệp định tới các DN còn hạn chế, trong khi đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các cơ hội do CPTTP mang lại. Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, các DN chưa tiếp cận được các nội dung của CPTPP. “Điều này nếu không sớm được khắc phục, cũng như thiếu các giải pháp hỗ trợ cho DN thì thách thức khi tham gia CPTPP sẽ lớn hơn so với cơ hội mang lại”- ông Lộc nhấn mạnh.
Sân chơi lớn của CPTPP tại Việt Nam đã thực sự khởi động, do đó cần xây dựng, triển khai hiệu quả, thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, DN và người dân. Bên cạnh đó, cần giữ nghiêm kỷ cương, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn với NĐT, bởi môi trường đầu tư không tốt thì CPTPP hay bất cứ hiệp định thương mại nào cũng không thể phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế.
Nguyên Anh
Tổng hợp
Vietnam Report