Tờ Finantial Times cho hay, Việt Nam đứng đầu danh sách các thị trường mới nổi về thu hút FDI trong lĩnh vực năng lượng xanh. Việt Nam có được kết quả này là nhờ nhiều năm nỗ lực cải thiện sức hấp dẫn của nền kinh tế trong con mắt nhà đầu tư.
Theo Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ báo tài chính hàng đầu thế giới - Financial Times (Mỹ), lần thứ hai liên tiếp, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp theo là Hungary và Romania. Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á cũng nằm trong danh sách này là Malaysia và Thái Lan với vị trí thấp hơn.
Theo đó, Việt Nam ghi được 6,45 điểm. bỏ xa nước xếp thứ hai và thứ ba là Hungary và Romania cũng như các nước trong khu vực là Malaysia và Thái Lan.
Các đối thủ của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á là Malaysia đạt 2,86 điểm, Thái Lan 2,43 điểm, và Indonesia 1,09 điểm.
Trong danh sách này còn có các nền kinh tế số 1 châu Á là Trung Quốc, với số điểm là 0,41 - đứng cuối danh sách. Y tế là một lĩnh vực cho thấy sức hút của Việt Nam, kể từ khi chính phủ nới lỏng quy định về đầu tư nước ngoài. Theo các tổ chức thẩm định quốc tế, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam sẽ còn tăng 75% trong thời gian từ nay đến năm 2020. Ngoài ra, thị trường lao động Việt Nam cũng tạo nhiều thuận lợi về sức cạnh tranh, với rất nhiều người có bằng cấp được đào tạo phù hợp với các công ty đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chỉ số này được xây dựng bởi Unctad (Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển, một cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc), dựa trên số liệu thống kê về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chỉ áp dụng đối với greenfield FDI (tức là trừ đi vốn đầu tư qua các vụ M&A, các khoản vay nội bộ và các dạng đầu tư xuyên biên giới khác).
Bản báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển khẳng định các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều đến khu vực “châu Á đang phát triển”. Bằng chứng là trên tổng số 765 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015 vào các nước đang phát triển, số vốn đầu tư vào các nước “châu Á đang phát triển” là 541 tỉ USD và tập trung chủ yếu vào ba thị trường tiềm năng Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ.
Báo cáo về môi trường đầu tư (Doing Business) mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam đã có những cải tiến đáng kể. Các tiêu chí như khả năng tiếp cận nguồn điện, tiếp cận thông tin tín dụng và thanh toán đều tăng hạng, trong khi đó thời gian đăng ký kinh doanh và thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm xuống.
Dẫu vậy, tốc độ dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam cũng đã chậm lại. Chỉ số của Việt Nam giảm 1,41 so với năm ngoái, mạnh nhất trong 14 nước và tỷ trọng cũng giảm nhẹ từ mức 1,89% xuống còn 1,77%. Số dự án giảm từ 244 của năm 2014 xuống còn 224 dự án.
Ngoài ra, Financial Times nhận định, chỉ số đầu tư FDI vào lĩnh vực năng lượng xanh của Việt Nam tăng liên tiếp, mặc dù gần đây tốc độ đầu tư nước ngoài vào quốc gia này có chiều hướng chậm lại.
Hương Linh
Tổng hợp
Vietnam Report