Việt Nam sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh ngân hàng Châu Á 2016

10/05/2016

Chuyên mục:

Trong 3 ngày, từ 10-12/5/2016, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo các Ngân hàng Châu Á 2016 (The Asian Banker Summit 2016) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và The Asian Banker đồng tổ chức. Năm 2016 là lần thứ hai Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam.

Hội nghị thường niên lần thứ 17 này, với chủ đề "Đột phá mới", sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề như thách thức của đội ngũ điều hành ngân hàng, trường đào tạo và hội thảo cho các nhà hoạch định chính sách về công nghệ, hội nghị về ngân hàng giao dịch quốc tế, thách thức về chuỗi cung ứng, và đối thoại về cơ sở hạ tầng thị trường tài chính. Việc NHNN Việt Nam tiếp tục được lựa chọn là đơn vị đồng tổ chức sự kiện quan trọng này khẳng định sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam nói chung và uy tín của NHNN Việt Nam nói riêng. 

Dự kiến có hơn 1.000 khách tham dự hội nghị, trong đó có các nhà lãnh đạo ngân hàng, các doanh nghiệp, các nhà môi giới, các nhà tài chính và hoạch định chính sách từ 32 quốc gia. Đây là hội nghị thường niên và có uy tín nhất của ngành Ngân hàng khu vực Châu Á, được khởi xướng từ sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á năm 1997-1998 với sự đề xuất của Ông William Seidman - cựu Chủ tịch Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) nhằm tạo diễn đàn cho lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Châu Á gặp gỡ và thảo luận về những thách thức lớn mà ngành tài chính khu vực đang phải đối mặt. Hội nghị quy tụ các lãnh đạo ngân hàng cấp cao khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhằm hoạch định chiến lược phát triển của ngành, đánh giá những tác động của rủi ro tín dụng, thị trường và rủi ro hoạt động đối với nghiệp vụ ngân hàng của các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay. 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Châu Á vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới bất chấp các nền kinh tế công nghiệp lớn tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến. Khi những nền kinh tế chủ chốt ở khu vực như Trung Quốc đang dần thay đổi theo hướng cải cách cơ cấu và chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dài hạn bền vững hơn, nên sự chú ý giờ đây lại quay trở lại với ASEAN - một cỗ máy tăng trưởng trong tương lai. Tầm nhìn của các nhà đầu tư về tiềm năng của Việt Nam như thế nào sẽ được trình bày tại hội nghị khi Việt Nam đang đại diện là một trong những ngôi sao đang tỏa sáng của khu vực. 

Theo thông lệ, Thống đốc/ Bộ trưởng Tài chính của nước chủ nhà sẽ có bài phát biểu khai mạc ghi nhận các vấn đề then chốt về tình hình tài chính ngân hàng của khu vực và thế giới. Lãnh đạo tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế hàng đầu thế giới đã từng tham dự và phát biểu tại Hội nghị trước đây có Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Giám đốc Điều hành (GĐĐH) Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA), Chủ tịch Ủy ban Giám sát Ngân hàng Trung Quốc và Bộ trưởng Tài chính các nước Đức, Singapore, Úc…

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tìm cách củng cố ngành ngân hàng và giảm số lượng các ngân hàng thương mại xuống còn 20 ngân hàng vào năm 2017. Điều này đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp quốc tế muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ngành ngân hàng thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập. 

The Asian Banker được thành lập năm 1996, có trụ sở chính tại Singapore và văn phòng tại các nước trên thế giới như Anh, Malaysia (Kuala Lumpur), Trung Quốc (Bắc Kinh), Philippines (Manila) và Trung Đông (Dubai). The Asian Banker là một tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng đầu trong lĩnh vực tài chính của Châu Á, đồng thời chuyên nghiên cứu và cung cấp thông tin cập nhật nhất về các vấn đề phát triển chiến lược trong ngành dịch vụ tài chính của khu vực.

Hằng Phạm

Tổng hợp

 

 

Vietnam Report