Theo xếp hạng chỉ số cạnh tranh năng lực toàn cầu (GTCI) năm 2017, Việt Nam xếp thứ 86 thế giới và thứ 11 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm nay, báo cáo về chỉ số cạnh tranh năng lực toàn cầu (GTCI) tiến hành đánh giá 118 quốc gia, theo chủ đề "năng lực và công nghệ".
Báo cáo GTCI được tiến hành dựa trên sự hợp tác giữa Tập đoàn Adecco và Viện Lãnh đạo Nguồn vốn Con người của Singapore (HCLI), GTCI là báo cáo hàng năm nhằm đánh giá khả năng cạnh tranh về tài năng của các quốc gia.
Tập trung vào chủ đề "năng lực và công nghệ", báo cáo năm 2017 cho biết những ảnh hưởng của công nghệ với sự cạnh tranh về năng lực cũng như công việc trong tương lai. Theo các chuyên gia, dù công việc ở tất cả trình độ tiếp tục bị thay thế bởi máy móc, công nghệ vẫn tạo ra những cơ hội mới.
Báo cáo tiến hành đánh giá trên 118 quốc gia, dựa trên các tiêu chí như khả năng phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài.
Theo bảng xếp hạng GTCI 2017, Thụy Sĩ đứng đầu toàn cầu về năng lực cạnh tranh. Singapore tiếp tục giữ vị trí thứ 2 toàn cầu và đứng đầu bảng khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm thứ tư liên tiếp.
Việt Nam xếp thứ 86 thế giới và thứ 11 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 38,13 điểm. Thụy Sĩ dẫn đầu với 74,55 điểm. Trong các mục đánh giá Việt Nam xếp cao nhất ở mục kĩ năng kiến thức toàn cầu (thứ 56) và thấp nhất ở mục kĩ năng nghề nghiệp và kỹ thuật (thứ 98).
Việt Nam xếp thứ 86/118 quốc gia về chỉ số cạnh tranh năng lực toàn cầu. Nguồn: Internet
Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia lớn trong khu vực, vẫn cách xa vị trí đầu bảng với con số lần lượt là 54 và 92.
Malaysia và Hàn Quốc bám đuổi nhau sát nút với vị trí 28 và 29. Dù cơ sở hạ tầng về IT của xứ sở kim chi được đánh giá cao hơn, Malaysia vẫn chứng tỏ sự sẵn sàng về công nghệ một cách vượt trội so với đối thủ.
Các quốc gia châu Á lọt top 30 của GTCI 2017: Singapore (2), Australia (6), New Zealand (14), Nhật Bản (22), Malaysia (28) và Hàn Quốc (29).
Các quốc gia đứng ở thứ hạng cao có điểm chung là hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu kinh tế, chính sách làm việc ưu tiên tính linh hoạt, di động và tinh thần kinh doanh, sự liên kết cao giữa các bên trong lĩnh vực kinh doanh, giáo dục với chính phủ cũng như trình độ công nghệ cao.
Bình luận về báo cáo, Ilian Mihov, Chủ tịch của trường INSEAD, cho biết: “Báo cáo GTCI năm nay cho thấy các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng tỏ sự sẵn sàng đối với công nghệ. Nó cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục.
Các hệ thống giáo dục phải cải tiến để giúp người học thúc đẩy sự năng động trong học tập và điều chỉnh theo những điều kiện đang thay đổi. INSEAD mong muốn đóng vai trò như một nhà cung cấp tài năng và lãnh đạo toàn cầu”.
Theo Linh Bùi
Trí thức trẻ
Vietnam Report