Vốn “ngoại” sẽ đổ mạnh vào ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống

18/04/2016

Chuyên mục:

Đó là kết quả của một khảo sát về xu hướng đầu tư tư nhân ở Việt Nam vừa được hãng Kiểm toán và tư vấn Grant Thornton thực hiện và công bố, trong đó ngành bán lẻ và thực phẩm & đồ uống (F&B) được xem là hai ngành hấp dẫn nhất của đầu tư tư nhân.

Theo kết quả khảo sát, 86% ý kiến phản hồi dự báo mức độ đầu tư sẽ tăng trong 12 tháng tới. Mặc dù kết quả này không thay đổi so với quý 2/2015, song số người có nhận định đã tăng từ 7% đến 11%.

Triển vọng tích cực này có được là do nhiều cải thiện đã thực hiện trong thời gian qua, bao gồm những thay đổi quan trọng về pháp lý là khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng của Chính phủ và tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đặc biệt, với hai hiệp định thương mại này, theo đánh giá của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Việt Nam là nước đứng thứ 2 trong số các thành viên AEC và đứng đầu trong số các thành viên TPP về khả năng nhận được thêm các khoản đầu tư sau khi ký kết.

Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn, do AEC sẽ loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, giảm thuế đến 0% đối với trên 90% các mặt hàng hiện đang chịu thuế, và mức giảm sẽ còn được tiếp tục đối với những mặt hàng khác từ nay đến năm 2018. Đồng thời, việc tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như làm tăng khối lượng thương mại với các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Về mức độ hấp dẫn đầu tư của Việt Nam so với các nước láng giềng khác, khảo sát cho biết, Việt Nam được xếp thứ 2 với 25% ý kiến từ những người tham gia khảo sát. Vị trí hàng đầu vẫn thuộc về Myanmar. Thứ hạng này cũng tương đồng với kết quả khảo sát triển vọng kinh doanh Đông Nam Á năm 2016 được thực hiện bởi Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Theo đó, đối với Việt Nam, triển vọng tích cực cho việc thu hút đầu tư là do có nguồn lực lao động chi phí thấp, an ninh cho các công dân cùng sự ổn định của hệ thống chính trị và Chính phủ điều hành. Trong báo cáo khảo sát này, Việt Nam đứng thứ 3, trong khi Myanmar và Indonesia lần lượt đứng thứ nhất và thứ hai.

Trong cuộc khảo sát này, ngành bán lẻ và thực phẩm & đồ uống (F&B) đang được xem là hai ngành hấp dẫn nhất của đầu tư tư nhân, với tỷ lệ chọn lần lượt bởi 51% và 41%/số người tham gia, do Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường tiêu dùng triển vọng nhất châu Á, nhờ vào lợi thế dân số đông, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh và sự gia tăng của quá trình đô thị hóa.

Ngoài hai ngành hấp dẫn trên, vận tải và kho vận đứng thứ ba, với 39% người tham gia lựa chọn. Đây là sự gia tăng đột biến khi mức lựa chọn chỉ là 12% trong kỳ khảo sát Q2/2015. Trong năm 2016, các nhà đầu tư đang mong đợi sẽ có nhiều giao dịch thoái vốn ở trong khối DNNN quản lý cảng biển lớn như Cảng Sài Gòn, Vinalines…; đứng thứ tư là ngành Y tế và dược phẩm với 35% người tham gia đánh giá ngành này rất hấp dẫn, do điều kiện sống được cải thiện và mức thu nhập khả dụng cao hơn sẽ tạo điều kiện cho người dân chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ y tế. Thực tế này cho thấy đang có nhiều cơ hội tốt để đầu tư vào lĩnh vực này.

Hoàng Chú

Tổng hợp

Vietnam Report