Vốn FDI không phải quả ngọt...

29/07/2015

Chuyên mục:

Số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ đang chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ đã bỏ chạy, để lại hậu quả nặng nề.

25 năm tìm vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỉ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 100 tỉ USD. Bên cạnh những mặt tích cực từ dòng vốn FDI đem lại, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) FDI cũng còn nhiều hạn chế. Một trong những vấn đề nổi cộm mà Việt Nam đang phải tìm cách xử lý là hiện tượng DN trốn thuế hoặc bỏ về nước sau khi “đánh quả” hay làm ăn thất bát.

50% kê khai lỗ

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện tượng DN FDI kê khai lỗ đang khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều DN kê khai lỗ liên tục 3 năm. Đơn cử như năm 2010, tại địa phương thu hút FDI khá tốt như tỉnh Bình Dương có tới 754 trong tổng số 1.490 DN FDI kê khai lỗ, chiếm 50,6%. Trong số này, có tới 200 DN lỗ quá số vốn chủ sở hữu. Tại rất nhiều DN, sau khi bị cơ quan thuế “sờ gáy” vì báo lỗ liên tục đã bất ngờ chuyển sang hạch toán lãi hoặc giảm lỗ. Tình trạng này phổ biến ở các DN cà phê của tỉnh Lâm Đồng…

Có một nghịch lý là mặc dù làm ăn thua lỗ trong thời gian dài nhưng nhiều DN vẫn không ngừng mở rộng đầu tư và trường hợp được đề cập gần đây là Công ty Nestlé Việt Nam. Thông tin từ báo cáo của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết từ năm 1995 đến 2012, Nestlé Việt Nam thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu. Tuy nhiên, năm ngoái, Nestlé vẫn rót 230 triệu franc Thụy Sĩ tiếp tục xây dựng một nhà máy mới tại KCN Amata (Đồng Nai) và nhà máy này vừa được khánh thành ngày 9-7, nâng tổng vốn đầu tư của Nestlé tại Việt Nam lên trên 466 triệu USD…

Bộ Tài chính cũng cảnh báo từ năm 2006 đến nay, hiện tượng chuyển giá của các DN FDI đã trở nên tinh vi hơn. Các hành vi chuyển giá không chỉ đơn thuần là điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế mà còn bao gồm cả chiều ngược lại. Việc chuyển giá được thực hiện qua hoạt động giao dịch liên kết điển hình như nâng vốn góp bằng việc nâng giá trị máy móc, thiết bị công nghệ; bán hàng hóa, nguyên vật liệu thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết. Nhiều DN còn dùng chiêu định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực… Tính riêng năm 2011, ngành thuế đã khoanh vùng 921 DN FDI có dấu hiệu chuyển giá, khai lỗ để thanh – kiểm tra. Kết quả là các DN phải nhận giảm lỗ 6.617 tỉ đồng và nộp phạt, truy thu thuế 1.669 tỉ đồng.

Phủi trách nhiệm

Có một thực tế đáng báo động là do làm ăn thất bại, không ít chủ DN FDI bỏ trốn về nước để rũ bỏ trách nhiệm. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến hết ngày 31-5-2013, cả nước có tới 518 DN FDI vắng chủ với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 903 triệu USD. Các DN này chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (xây dựng, bất động sản, thương mại, ăn uống, nhà hàng…) không đầu tư xây dựng cơ bản mà thuê lại nhà xưởng của các DN khác.

GS-TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng đối với các DN FDI vắng chủ hiện nay, có ít nhất 3 loại. Đó là DN gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, không còn khả năng vận hành tiếp; DN vào Việt Nam không có vốn, phải vay mượn của ngân hàng, sau đó làm ăn thua lỗ và cuối cùng là các DN có ý định lừa đảo ngay từ khi có kế hoạch bước chân vào Việt Nam. “Nếu vì lý do khách quan do nền kinh tế khó khăn thì có thể xử lý theo Luật Phá sản của Việt Nam; đối với các DN làm ăn thua lỗ, lợi dụng vay vốn thì xử lý theo luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế; DN có dấu hiệu lừa đảo phải xử lý theo luật hình sự…” – ông Nguyễn Mại đề xuất.

Theo các chuyên gia kinh tế, hệ lụy về mặt kinh tế từ hiện tượng chủ DN FDI bỏ trốn có thể không quá nghiêm trọng vì số lượng không lớn so với 12.000 DN FDI đang hoạt động, về vốn cũng chỉ chiếm 1%. Tuy nhiên, hệ lụy về xã hội thì rất lớn vì hàng chục ngàn lao động bị mất việc. Không dừng ở đó, nạn nhân tiếp theo của các DN này còn là ngân hàng, BHXH, đối tác làm ăn…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra thực tế nhiều DN nợ BHXH làm ảnh hưởng đến chế độ bảo hiểm của người lao động. Một số DN sử dụng nhiều lao động khiến số lao động này mất việc làm, bị nợ lương… Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước không thể hỗ trợ được người lao động do chưa có quy định.

Nhiều vụ khiếu nại liên quan đến DN FDI

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra hàng chục vụ khiếu nại, khiếu kiện của người lao động liên quan đến các DN FDI vì tình trạng chủ DN biến mất mà lương và BHXH thì chưa thanh toán. Cụ thể, ngày 14-8, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Sae Hwa Vina, 100% vốn Hàn Quốc (huyện Củ Chi), cho biết công ty vẫn chưa giải quyết quyền lợi. Từ cuối tháng 12-2012 đến nay, công ty này đã đóng cửa xưởng nhuộm và xưởng may khiến gần 1.000 lao động mất việc. Số tiền mà công ty nợ công nhân, BHXH lên đến hơn 12 tỉ đồng. Hay vụ lãnh đạo Công ty TNHH II Shin Womo (huyện Củ Chi), 100% vốn Hàn Quốc, bỏ trốn để lại gần 6 tỉ đồng tiền nợ BHXH và lương công nhân…

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế giữa Cục Thuế và Công an TP HCM mới đây, nhiều đại biểu cho rằng thời gian qua, việc đăng ký thành lập DN rất thông thoáng đã tạo kẽ hở cho tội phạm, đặc biệt các đối tượng là người nước ngoài, thành lập DN kinh doanh thua lỗ rồi bỏ trốn, gây nhiều hệ lụy…

S.Nhung

Theo Tô Hà – Phương Nhung

Theo Trí Thức Trẻ/Người lao động