WEF ASEAN: 3 lý do lạc quan về tương lai Đông Nam Á

06/09/2018

Chuyên mục:

Sở hữu nhiều nền kinh tế bùng nổ nhất thế giới, châu Á được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá đang ngày càng phát triển và theo hướng bền vững hơn, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Những thách thức Đông Nam Á đang phải đối mặt là những vấn đề toàn cầu được các nhà lãnh đạo thế giới đồng ý hành động. Mặc dù tăng trưởng kinh tế ổn định trong vài thập kỷ trở lại đây, khu vực này cũng phải đối mặt với bất bình đẳng về thu nhập, sự tập trung của cải, phân biệt đối xử, mất an ninh lương thực, thách thức về nhân quyền cũng như suy thoái môi trường.

Những yếu tố trên tạo ra một bức tranh ảm đạm nhưng ngược lại, cũng có những điều rất tích cực. Các nhà lãnh đạo tại đây đều đồng ý rằng tăng trưởng toàn diện là điều ưu tiên và nền kinh tế toàn diện cần những doanh nghiệp toàn diện.

Trong giai đoạn mới, khu vực Đông Nam Á được WEF đánh giá có tiềm năng chuyển đổi mô hình kinh doanh. Từ các sáng kiến thúc đẩy xã hội và môi trường bền vững trong nông nghiệp và may mặc của Campuchia, doanh nghiệp hoạt động với cộng đồng nghèo tại Thái Lan và Lào tới những doanh nghiệp xã hội nói chung, một loạt các mô hình kinh doanh công bằng hơn đang nổi lên.

Dựa trên tình hình đó, là một phần trong Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Oxfam mới đây đã đưa ra 3 lý do cho thấy sự phát triển các mô hình kinh doanh công bằng hơn ở Đông Nam Á, thể hiện một tương lai đầy lạc quan của khu vực này.

Khép dần khoảng cách giới tính

Bất bình đẳng giới ở mức phổ biến là tình trạng phụ nữ tại châu Á trung bình chỉ kiếm được 70 - 90% số tiền nam giới kiếm được và có nhiều khả năng bị trả dưới mức lương tối thiểu.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội, Đông Nam Á đang dẫn đầu về công bằng trong trả lương nam nữ cũng như cơ hội lãnh đạo dành cho phụ nữ.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng, nếu mức độ tham gia của nữ lao động tăng từ 57,7% lên 66,2% thì kinh tế châu Á có thể gia tăng thu nhập bình quân đầu người tới 30% chỉ trong một thế hệ.

Báo cáo cuối tháng 4 của McKinsey Global Institute được đưa tin bởi Bloomberg đánh giá rằng những chính sách hướng tới mục tiêu đạt được sự bình đẳng cho phụ nữ có thể tạo ra thêm khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào tổng GDP mỗi năm của châu Á Thái Bình Dương tới năm 2025. Con số này tương đương mức tăng 12% giá trị so với trường hợp tình trạng vẫn duy trì như hiện tại.

Việc thúc đẩy các mô hình kinh doanh công bằng hơn có thể giúp mở ra tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho một xã hội công bằng hơn.

Người tiêu dùng đạo đức

Những doanh nghiệp phát triển các giải pháp cho những thách thức xã hội và môi trường dần mở cánh cửa hơn trong bối cảnh người tiêu dùng Đông Nam Á đang gia tăng quan tâm đến những vấn đề này so với các quốc gia hàng xóm.

Họ đặt tiền vào những nơi họ nói sẽ hành động. 64% người tiêu dùng khu vực châu Á Thái Bình Dương sẵn sàng trả nhiều hơn cho sản phẩm đến từ các doanh nghiệp cam kết tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Con số này cao hơn khu vực châu Âu và Bắc Mỹ tới 20 điểm.

Khách hàng và các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) thường hoài nghi về những hành động quảng cáo. Để thành công, hành động có trách nhiệm phải là một phần không thể thiếu trong kinh doanh thay vì chỉ là lớp bọc bên ngoài, WEF nhấn mạnh.

Thúc đẩy chính sách công

Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đang tiến hành hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xã hội, hợp tác xã lớn mạnh thông qua chính sách công.

Tại Việt Nam, những quy định pháp lý mới đang dần được thiết kế đặc biệt dành cho doanh nghiệp xã hội. Singapore phát triển hỗ trợ, tư vấn trong khi Thái Lan đưa ra quy hoạch tổng thể, thậm chí miễn thuế đối với một số doanh nghiệp xã hội và Malaysia thành lập quỹ cung cấp tài chính.

Những nỗ lực của chính phủ các nước ASEAN với việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh xã hội được đánh giá là một trong những nỗ lực tốt nhất của thế giới.

Tuy vậy, các mô hình kinh doanh như trên chủ yếu vẫn được coi là các ngoại lệ thay vì là quy định. Các doanh nghiệp xã hội thường hoạt động ở quy mô nhỏ, ít có đòn bẩy ảnh hưởng.

Rất nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu của châu Á hoặc của thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc và nông nghiệp, đang phụ thuộc vào trả lương bèo bọt và lạm dụng quyền lao động để tạo ra lợi nhuận. Rõ ràng, mô hình này là một sự thiếu sót và cần được sửa chữa, WEF khẳng định. 

Hương Linh

Tổng hợp

Vietnam Report