Trí tuệ nhân tạo (AI), cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang trở thành cuộc đua tốc độ giữa các quốc gia trên thế giới. Trên thực tế, Việt Nam đang ở phía sau về kinh tế AI.
Vậy, Việt Nam cần có chiến lược đặc biệt nào, cần chuẩn bị những điều kiện gì và phải thực hiện như thế nào để vượt lên, bắt kịp xu thế, trở thành nước tiên tiến về kinh tế AI?
Quyết tâm xây dựng Chính phủ trí tuệ nhân tạo
Phân tích bối cảnh và xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho rằng, cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi căn bản cấu trúc và phân công trong sản xuất công nghiệp, tạo cơ hội cho các quốc gia, vùng lãnh thổ mới gia nhập các công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu với yêu cầu cao về năng lực cạnh tranh, khả năng thích nghi với biến đổi nhanh chóng của công nghệ. Chính phủ Việt Nam hiện coi cuộc CMCN 4.0 là cơ hội lớn, nếu không nắm bắt được sẽ tiếp tục bị tụt hậu; tranh thủ CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng.
Nhận thức được điều này, theo Thứ trưởng Lê Quang Mạnh, Chính phủ đã lấy việc thực hiện chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, AI là giải pháp đột phá cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Và một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện được chiến lược này là phải cải cách hệ thống thể chế tương thích, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi bộ máy nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy quản lý và công cụ quản lý. Tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút nhân tài là giải pháp hữu hiệu để tranh thủ được trí tuệ đỉnh cao của nhân loại, giúp Việt Nam tiến nhanh hơn.
Nhận diện những khó khăn kìm hãm sự phát triển kinh tế AI hiện nay của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viện Michael Dukakis chỉ rõ, đó chính là sự thiếu hụt chuyên gia hàng đầu về AI, thiếu nhà hoạch định chiến lược kinh tế AI; môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực và cơ hội của người dân chưa thực sự bình đẳng, trong đó doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nắm phần nhiều nguồn lực quốc gia nhưng hiệu quả thấp; cơ chế ra quyết định phức tạp, chậm, thiếu trách nhiệm cá nhân...
Một trong những giải pháp được GS. Jason Furman thuộc Đại học Harvard - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, người chủ trì Chiến lược Kinh tế Trí tuệ nhân tạo Hoa Kỳ - gợi ý là Việt Nam nên nghiên cứu xây dựng và phát triển Chính phủ AI (AI-Goverment) và Văn hóa thời đại AI. Đó là xây dựng một đất nước ứng dụng toàn diện thành quả AI vào quản trị, điều hành, phát triển đất nước, hỗ trợ việc ra quyết định cho tất cả các chức năng của các lĩnh vực công chính yếu. Từ đó, xác lập chuẩn mực về một xã hội AI.
Để phát triển nguồn nhân lực, cần chuẩn bị gì?
Nhiều chuyên gia tin tưởng rằng, một khi Chính phủ quyết tâm thực hiện Chính phủ AI sẽ tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ tới cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN cho đến mỗi người dân. Tuy nhiên, sự quyết tâm của Chính phủ là chưa đủ, động lực chính của nền kinh tế AI này là các DN.
Thực tế, theo một khảo sát của Vietnam Report về sự ứng phó của DN lớn Việt Nam trước kỷ nguyên số, công nghệ AI và CMCN 4.0, có tới 62,5% DN tham gia khảo sát cho biết đang thực hiện thay đổi từng bước từ công nghệ này sang công nghệ khác. Tuy nhiên, mới chỉ có 13,6% DN cho biết là đã đầu tư vào AI trong một số hoạt động, số DN còn lại vẫn đang loay hoay chưa biết đi từ đâu, cần chuẩn bị những gì.
Theo ông Lê Quang Mạnh, có 3 yếu tố mà Việt Nam cần chuẩn bị. Lực lượng lãnh đạo DN phải nâng cao nhận thức về những lợi ích mang lại từ việc ứng dụng AI để có thể cạnh tranh và theo kịp thế giới. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế AI, các chương trình đào tạo cần có sự cải cách theo hướng đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nhà nước, DN cần đưa ra những “đơn đặt hàng” về ứng dụng AI, khuyến khích thế hệ trẻ định hướng nghề nghiệp, không ngại thử nghiệm, lập kế hoạch..., từ đó tạo nên một lực lượng lao động mới có chất lượng cao.
Chia sẻ khối lượng công việc khổng lồ trong công tác tuyển dụng hàng năm, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, trong 2 năm gần đây, DN này đã tuyển dụng 1.500 tiếp viên hàng không. Vietnam Airlines sẽ phải thay đổi, hợp tác với các chuyên gia và công ty công nghệ hàng đầu về AI để hỗ trợ cải thiện việc tuyển chọn nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao hơn sức cạnh tranh của DN...
Trần Nam
Theo Báo Đấu thầu
Vietnam Report