Ngày 5/12/2018, Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018.
Đây là năm thứ 12 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2018.
Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng VNR500 năm 2018 dự kiến được tổ chức vào ngày 16/01/2019 tại Khách sạn Rex, TP. Hồ Chí Minh.
Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn
Top 10 Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2018
Nguồn: Vietnam Report
Top 10 Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2018
Nguồn: Vietnam Report
Doanh nghiệp tư nhân trong VNR500: Tiếp nối sự trỗi dậy mạnh mẽ
Tiếp nối sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp tư nhân trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017, bảng xếp hạng VNR 500 năm 2018 tiếp tục cho thấy sự tăng lên về mọi mặt của khối doanh nghiệp tư nhân.Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam tăng đáng kể theo thời gian, giai đoạn 2014-2017 đạt ở mức cao 21,8%. 5 ngành đứng đầu đóng góp về doanh thu trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất 2018 là Tài chính (tỉ trọng 15,1%); Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (14,3%); Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (13,9%); Thép (11,7%) và Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin (9,2%). Chỉ riêng năm ngành này đã chiếm đến 64,2% doanh thu, 75,5% lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp tư nhân trong Bảng 2.
Trong một thống kê gần đây của Tổng cục thống kê cũng cho thấy sự đóng góp đáng kể của khối doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế. Trên bình diện toàn bộ nền kinh tế, số liệu tính toán đến cuối năm 2016, xét về doanh thu, các DN khối tư nhân tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng, chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp năm 2016. Trong khi đó, các DNNN chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu. Về lợi nhuận, các DN khối tư nhân tạo ra hơn 188 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp còn các DNNN tạo ra hơn 197 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp.
Hình 1: CAGR bình quân của Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017 (Đơn vị: %)
Nguồn: Dữ liệu BXH VNR500 - Vietnam Report
Bức tranh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong VNR500
Trong một vài năm trở lại đây tỷ lệ các doanh nghiệp lớn trong bảng xếp hạng VNR500 các nhóm ngành Dịch vụ và Công nghiệp tăng lên đáng kể; hiện hai nhóm ngành này chiếm 98,4% tỷ trọng doanh thu năm 2018, đóng góptương ứng ở nhóm ngành nông nghiệp chỉ ở mức 1,6%.
Nội bộ ngành cũng xảy ra những sự dịch chuyển ngày càng tích cực. Cụ thể, đối với nhóm ngành công nghiệp, cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm đang có sự thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Công nghiệp chế biến tăng tỷ trọng, trong khi Công nghiệp khai thác có chiều hướng giảm. Năm 2018, Công nghiệp chế biến chiếm 43,7% tỉ trọng doanh thu ngành công nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 còn đóng góp Công nghiệp khai khoáng chiếm 12% tỉ trọng doanh thu ngành.
Hình 2: Đóng góp doanh thu của nhóm ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến, giai đoạn 2015 - 2018 (Đơn vị: %)
Nguồn: Dữ liệu BXH VNR500 - Vietnam Report
Một số nét chính từ kết quả khảo sát cộng đồng VNR500 - cộng đồng các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR500 2018, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát cộng đồng các doanh nghiệp lớn Việt Nam nhằm tổng hợp những đánh giá của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh giai đoạn hiện tại, những rào cản và thách thức các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt, triển vọng kinh doanh và khả năng tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp trong thời đại số.
Doanh nghiệp vẫn duy trì đánh giá khả quan với kết quả kinh doanh năm 2018 dù đối mặt với nhiều thách thức
Theo kết quả điều tra, Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và những hệ lụy có liên quan đang là rủi ro lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp lớn Việt Nam, với việc 63,3% ý kiến đánh giá cho rằng những sự bất khả đoán từ căng thẳng địa chính trị đã và đang gây những khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Bên cạnh rủi ro từ môi trường quốc tế, những khó khăn nội tại như Thiếu nguồn nhân lực có tay nghề, Thủ tục hành chính phức tạp và Chính sách hỗ trợ cạnh tranh yếu là những mối bận tâm lớn nhất của doanh nghiệp giai đoạn qua. Tuy vậy, đánh giá về tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh năm nay, 48,3% doanh nghiệp đánh giá ổn định, 41,4% doanh nghiệp nhận định tốt lên và 10,3% báo cáo kết quả giảm đi theo khảo sát của Vietnam Report tháng 11/2018.
Hình 3: Top 5 rào cản, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN trong năm 2018 (Đơn vị: %)
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500 thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 11/2018
Về những nỗ lực của Chính phủ giai đoạn qua, doanh nghiệp đánh giá Top 3 chính sách đạt hiệu quả cao trong việc tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp là Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế (79,3%); Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đánh giá cán bộ (50%) và Cải cách thủ tục hành chính (48,3%). Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng chỉ số thương mại bền vững (trong 19 nền kinh tế Châu Á và Mỹ), nằm trong các nước được đánh giá cao về mức độ mở cửa thị trường. Đặc biệt, việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP mới đây đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ phía các doanh nghiệp. Không chỉ mở cửa mạnh mẽ thị trường hàng hóa - dịch vụ - đầu tư, tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp hưởng lợi thuế quan, CPTPP còn hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao nội lực, đẩy mạnh các quy chuẩn như sở hữu trí tuệ, đồng thời giải quyết tranh chấp và phòng vệ thương mại.
Hình 4: Đánh giá về các giải pháp Chính phủ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp được thực hiện trong thời gian qua (Đơn vị: %)
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500 thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 11/2018
Tình hình tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp thời đại số
Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế thông qua CPTPP cùng với làn sóng chuyển đổi công nghệ giúp Việt Nam trở thành một địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị năng lực đầy đủ để đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Hầu như các doanh nghiệp mới chỉ ứng dụng công nghệ số chủ yếu trong các mảng tài chính/kế toán, bán hàng, sản xuất, R&D (với tỉ lệ trung bình khoảng 71,2% doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ trong các mảng này); trong khi đó các mảng về dịch vụ, logistics chưa nhận được nhiều chú trọng của doanh nghiệp (tỉ lệ ứng dụng trung bình xấp xỉ 35%), tuy nhiên đây cũng là các mảng nhận được nhiều hứa hẹn đầu tư của doanh nghiệp trong vòng 1-2 năm tới.
Hình 5: Tình hình ứng dụng công nghệ trong nội bộ doanh nghiệp (Đơn vị: %)
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500 thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 11/2018
Vấn đề nổi bật nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là vấn đề không đủ nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại kĩ thuật số. Gần 70% cho rằng đây là rào cản lớn nhất, cấp bách nhất sau khi xem xét quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ thực tiễn tại doanh nghiệp. Đánh giá về kỹ năng nhân viên trong thời đại số, doanh nghiệp nhận định khả năng sử dụng công nghệ tự động hóa, khả năng phân tích dữ liệu, tư duy hệ thống là các kĩ năng người lao động nói chung còn yếu, tương ứng với 35,7%, 21,7%, 17,9% phản hồi của doanh nghiệp.
Hình 6: Đánh giá kỹ năng nhân viên trong thời đại số (Đơn vị: %)
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500 thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 11/2018
Đánh giá về tiềm năng đầu tư cho các công nghệ tiên tiến của CMCN 4.0, Công nghệ di động (Mobility) (27,6%), Cảm biến thông minh (Smart sensors) (20,7%) và Điện toán đám mây (Cloud Computing) (17,2%) là 3 công nghệ được chú trọng và nhận định đem lại kết quả khả quan cho doanh nghiệp với xu hướng gia tăng đầu tư trong thời gian tới. Tuy vậy, kết quả phản hồi đồng thời cho thấy tỉ lệ các doanh nghiệp lớn đầu tư cho các công nghệ tiên tiến còn thấp, hiện tại có gần 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chưa đầu tư cho bất kì công nghệ 4.0 nào. Trong vòng 3 năm tới, một số công nghệ được phần đông doanh nghiệp dự định lựa chọn đầu tư là Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT).
Hình 7: Tình hình đầu tư của DN cho các công nghệ tiên tiến của CMCN 4.0 phục vụ hoạt động kinh doanh (Đơn vị: %)
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp VNR500 thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 11/2018
Mặc dù bức tranh kinh tế giai đoạn tới được nhiều chuyên gia nhận định sẽ tăng trưởng khá, nhiều doanh nghiệp thể hiện sự dè dặt khi 50% doanh nghiệp dự báo kết quả sản xuất kinh doạnh đầu năm 2019 sẽ chỉ ở mức cơ bản ổn định, trong đó 37% cho rằng chi phí sẽ tăng lên và 18,5% dự đoán lợi nhuận sẽ giảm. Trước những biến động và diễn biến mới đan xen của thị trường, việc giữ vững vị thế và khẳng định uy tín doanh nghiệp sẽ ngày càng quan trọng. Ban tổ chức hi vọng rằng, với sự ghi nhận thành tích xuất sắc và nỗ lực đáng kể của các doanh nghiệp tiêu biểu trong thời gian qua, các doanh nghiệp VNR500 nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ giữ vững vị thế trên thương trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Vietnam Report