Thị trường bán lẻ: "sân chơi" vẫn là của người Thái !

04/05/2016

Chuyên mục:

Hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Big C Việt Nam từ tay Tập đoàn Casino (Pháp), người Thái đã có trong tay 4 chuỗi siêu thị lớn bậc nhất Việt Nam.

Thâu tóm và thâu tóm 

Sau một thời gian “chạy đua” chào giá của nhiều công ty như Lotte Group (Pháp), Aeon (Nhật Bản), Central Group và TCC Holding ( Thái Lan ) và các nhà đầu tư trong nước như CTCP Thăng Long GTC (thành viên Hanoitourist), Saigon Co.op và Masan Group (Việt Nam), cuối cùng chuỗi Big C Việt Nam đã về tay Tập đoàn Central Group của gia đình tỉ phú Thái Chirathivat với giá hơn 1 tỷ USD, theo đó toàn bộ hệ thống siêu thị Big C của Việt Nam sẽ thuộc quyền sở hữu của Central Group thay vì Tập đoàn Casino (Pháp). 

Tại thương vụ này, các nhà đầu tư trong nước như CTCP Thăng Long GTC (thành viên Hanoitourist), Saigon Co.op và Masan Group (Việt Nam) cũng đã tham gia, sau đó Saigon Co.op đã lọt vào vòng đàm phán cuối cùng. Tuy nhiên, theo đại diện Saigon Co.op phía bán nêu khó khăn là thương vụ này được mua bán bởi công ty nước ngoài đặt tại châu Âu, lo ngại liệu Saigon Co.op có xin được giấy phép hay không.

Năm 2014, Central Group bắt đầu đặt chân đến Việt Nam bằng việc mở trung tâm mua sắm tại Hà Nội, mang tên Robins. Chỉ vài tháng sau khi đặt chân, khoảng cuối năm 2014, đại gia này tiếp tục chi thêm 4 triệu USD mở trung tâm thứ 2 tại TP.HCM tập trung nhiều nhãn hiệu cao cấp từ cá nước trên thế giới, trong đó hàng Thái chiếm số lượng lớn.

Một năm sau, Power Buy, đơn vị thuộc Central Group đã mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim với 21 siêu thị điện máy trên cả nước, một trong những nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam.

Người đồng hương của Central Group, công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev của ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã đặt chân đến Việt Nam trước Central Group chọn cách nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, rồi đến hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart - thương hiệu lâu đời của BJC).

Giữa 2014, công ty này đã tạo bất ngờ khi công bố chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Đây được xem là vụ mua bán - sáp nhập (M&A) quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay, khi Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm 2012 - 2013 đạt hơn 690 triệu USD. Đến ngày 7/1 vừa qua, thương vụ chuyển giao Metro Cash & Carry Việt Nam cho phía TCC mới được hoàn tất.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, người Thái đã sở hữu trong tay 4 chuỗi siêu thị lớn bậc nhất Việt Nam, chiếm 70% thị trường bán lẻ trong siêu thị Việt Nam.

Trong khi hàng Thái trước đó đã len lỏi vào khắp các chợ, cửa hàng lớn nhỏ, hiện sản phẩm may và đồ dùng gia dụng Thái Lan có mặt tại hơn 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với hàng nhập khẩu từ các nước khác, điện tử điện lạnh chiếm 70% thị phần. Trong số mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ trong nước, hàng Thái Lan đứng thứ hai chỉ sau hàng Trung Quốc. Như vậy, vừa mua xong hệ thống Metro Cash & Carry tại Việt Nam từ người Đức, người Thái mua tiếp hệ thống Big C Thái Lan từ người Pháp và dường như những thương vụ chuyển nhượng giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD của người Thái trong lĩnh vực bán lẻ chưa dừng lại. 

Hàng Thái “rục rịch” lên kệ

Khảo sát tại Metro Hà Đông (Hà Nội) cho thấy, đồ nhựa, xà phòng, nước rửa bát, gạo, mỳ, gia vị, bim bim, đồ uống, nước giặt… xuất xứ Thái Lan được bày bán giới thiệu tại ngay lối vào siêu thị. Theo đó, không chỉ gói kẹo, đôi dép, tới đây, hàng điện máy, hàng hoá xa xỉ… của Thái Lan sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ thua trên trên sân nhà. Cuộc xâm nhập này, người tiêu dùng có lợi trong khi áp lực sẽ rất lớn đối với hàng hoá nội, doanh nghiệp nội phải bừng tỉnh. Cuộc cạnh tranh phải chấp nhận vừa cạnh tranh vừa cộng tác. 

Thậm chí, một số sản phẩm áp dụng chương trình khuyến mại giảm giá đến 50% như thùng nhựa có bánh xe với giá bán 188.000 đồng/chiếc, giảm 50%, gạo Thái giảm 11% còn 188.900 đồng/bao 5 kg…

Trước đó không lâu, khu cửa vào siêu thị Metro bày bán các sản phẩm khuyến mại, giảm giá là hàng Việt Nam chiếm đa số. Khi các nhà bán lẻ Thái Lan vào Việt Nam chắc chắn họ sẽ tăng tỷ trọng hàng Thái trên quầy kệ vì vậy nếu không có chính sách kịp thời không chỉ có cảnh người dân chuyển sang mua hàng Thái mà còn chứng kiến nhiều thương vụ “bán mình” của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới đây.

 

Theo đại diện một doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM, kể từ khi siêu thị Metro Cash & Carry bán cho nhà đầu tư Thái Lan, mọi hoạt động liên quan đến điều chỉnh giá cả, hàng hoá đều diễn ra khá chậm chạp, gây khó cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp phải mất 6 tháng kể từ khi thông báo mới được phép rút hàng khỏi kệ, chưa kể giá cả biến động lên xuống, muốn điều chỉnh gần như không thực hiện được”, vị này cho hay.

Hà Phương

Tổng hợp

Vietnam Report